Huế khôi phục lại môn 'nữ công gia chánh' trong trường học: Giám đốc sở GD&ĐT nói gì?

Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, giáo dục nữ công gia chánh là tên gọi của một môn học kỹ năng nhưng không phải chỉ dành riêng cho nữ mà học sinh nam cũng có thể học để tự trang bị kiến thức và kỹ năng tự phục vụ bản thân và gia đình.

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường THPT.

Thừa Thiên - Huế khôi phục lại môn "nữ công gia chánh" trong trường học. Ảnh minh họa

Thừa Thiên - Huế khôi phục lại môn "nữ công gia chánh" trong trường học. Ảnh minh họa

Theo đó, trường THPT Hai Bà Trưng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý cho thí điểm khôi phục môn nữ công gia chánh từ năm học 2021-2022.

Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Nguyễn Tân, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết chọn trường THPT Hai Bà Trưng để làm thí điểm dạy môn nữ công gia chánh bởi trước đây trường này có thế mạnh về môn học này.

Ông Tân cũng cho hay theo chương trình đổi mới giáo dục sắp tới, cơ cấu chương trình sẽ gồm 80% chương trình giáo dục quốc gia và 20% chương trình dành cho giáo dục địa phương.

Theo đại diện sở GD&ĐT, giáo dục nữ công gia chánh là tên gọi của một môn học kỹ năng nhưng không phải chỉ dành riêng cho nữ mà học sinh nam cũng có thể học để tự trang bị kiến thức và kỹ năng tự phục vụ bản thân và gia đình.

Hiện nay, sở đang xây dựng chương trình theo hình thức các câu lạc bộ ngoại khóa, tương tự các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường học để thu hút các em tham gia.

Trước đó, giải thích về việc khôi phục lại môn "nữ công gia chánh" trong trường học, trả lời Đất Việt, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, trong bối cảnh hội nhập cùng nền kinh tế thị trường, giáo dục đã có nhiều cải cách, việc dạy và học môn nữ công gia chánh, giáo dục nghề nghiệp trong các trường phổ thông không còn như trước. Kể cả từ phía gia đình, các môn học hướng tới rèn luyện các kỹ năng, đạo đức cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các phụ huynh.

Hậu quả là một lượng lớn nữ sinh khi ra trường hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi là người phụ nữ của gia đình.

Xét trên phương diện xã hội, những kiến thức về văn hóa, lịch sử, con người địa phương cũng bị mờ nhạt, nữ sinh ra trường không hiểu rõ về văn hóa, lịch sử địa phương, không cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của truyền thống, con người Huế.

Nhằm mong muốn thế hệ tương lai phát triển toàn diện, đồng thời nắm chắc những kiế thức về văn hóa, lịch sử, con người địa phương, ông Thọ đã đồng ý thí điểm dạy học môn nữ công gia chánh trong trường học.

"Mục đích của chương trình là đào tạo kỹ năng sống gắn liền với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất là nấu ăn và gia chánh nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về những món ăn nổi tiếng của đất kinh đô Huế, hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Huế qua đó cũng hiểu rõ hơn về món ăn, về văn hóa, con người Việt Nam.

Việc này không chỉ giúp các em có thể tự tin, độc lập lo cho bữa ăn của mình, lo cho cuộc sống của mình khi đi du học, làm việc xa quê hương mà cũng là cơ hội giúp quảng bá, truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Quan trọng hơn, khi đã hiểu rõ được về văn hóa, con người quê hương mình cũng sẽ giúp cho các em học sinh dần hình thành tinh thần tự hào dân tộc, giúp định hướng sớm cho mục tiêu học tập cũng như mong muốn được phục vụ quê hương, đất nước của mỗi người", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Liên quan đến sự việc, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, cũng cho biết hiện nhà trường đang triển khai soạn chương trình với những nội dung phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay.

Thủy Tiên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/chuyen-hoc-duong/hue-khoi-phuc-lai-mon-nu-cong-gia-chanh-trong-truong-hoc-giam-doc-so-gddt-noi-gi-a359343.html