Huế: Cần đầu tư để Bạch Mã trở thành một Khu du lịch sinh thái Tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp

Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm ở vị thế thuận lợi, giữa các trung tâm di sản văn hóa lớn cùng các điểm du lịch hấp dẫn mang lại cho Bạch Mã tiềm năng khó có nơi nào sánh kịp. Vị trí địa kinh tế thuận lợi giữa các thành phố lớn, nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây, gần các cảng và sân bay quốc tế cũng tạo nên thế mạnh để Khu du lịch sinh thái Tâm linh và nghỉ dưỡng phát triển.

 Tổng thể nhìn từ trên cao Khu du lịch sinh thái Tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp Bạch Mã.

Tổng thể nhìn từ trên cao Khu du lịch sinh thái Tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp Bạch Mã.

Đầu tư để Bạch Mã trở thành một Khu du lịch sinh thái Tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp là một giải pháp phát triển kinh tế bền vững vừa đem lại một cơ hội cho du khách được thưởng thức một môi trường cảnh quan tươi đẹp và hùng vĩ, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới điển hình cho thế hệ mai sau.

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong số bảy (07) khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam.

Tọa lạc trên vùng núi cao, khí hậu mát mẻ, có nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, suối, thác và rừng nguyên sinh, Bạch Mã đã từng là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng những năm 1930 – 1940 (thời Pháp) và 1960 – 1970 (thời Mỹ).

Ở cấp trung ương, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt năm 2013, trong đó xác định Bạch Mã là 1 trong 10 vườn quốc gia.

Ở cấp địa phương, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh đến năm 2020 cũng đã được phê chuẩn cùng thời gian, theo đó vườn Quốc gia Bạch Mã nằm trong cụm du lịch Cảnh Dương – Bạch Mã – Lăng Cô – Hải Vân, có sự kết nối với các địa danh du lịch nổi tiếng khác trong vùng như cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Để có cơ sở quản lý bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị của Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời tạo nên một cơ sở pháp lý rõ ràng nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Diện tích quy hoạch phân khu, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, nghiên cứu 400 ha, trong đó khu vực 2 với 300 ha sẽ có các chức năng sau: hành chính, văn hóa, lưu trú – nghỉ dưỡng, dịch vụ mua sắm, thăm quan - khám phá thiên nhiên, sinh hoạt tâm linh.

Nghiên cứu kỹ phương án tuyến cáp treo kết nối giữa khu du lịch trong khu vực quy hoạch 300,9 ha với khu vực đón tiếp 64,1 ha cách đó 4,5 km, cũng như giữa các cụm chức năng trong khu vực 300,9 ha, đảm bảo thuận tiện trong quá trình xây dựng và hiệu quả khai thác sau này.

Nghiên cứu thiết kế các tuyến giao thông khác có quy mô phù hợp với khu du lịch: các tuyến đường đi bộ, tuyến xe du lịch chạy bằng điện, tuyến đi xe đạp địa hình trên cơ sở các tuyến đường sẵn có hoặc mở thêm những tuyến đường mới khi cần, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Quy mô bãi đỗ xe công cộng cũng cần được tính toán.

Theo định hướng quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ tiếp nhận khoảng 1.000.000 khách mỗi năm (trong đó khách lưu trú chiếm 30% và 70% là khách tạm trú trong ngày).

Khu nghỉ dưỡng sinh thái Bạch Mã.

Trong khu vực dự án sẽ bố trí bãi đỗ xe khu vực đỉnh Bạch Mã: Tổng diện tích 17.900 m2, kích thước tối thiểu của nơi lưu giữ ô tô là 5 x 4 m/xe, ước tính số xe ô tô tối đa đỗ tại bãi là 895 xe, với hiệu năng sử dụng bãi ước tính khoảng 70% thì số lượng ô tô lưu giữ tại bãi xe là 626 xe/ngày.

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một bộ phận của dãy Trường Sơn Bắc, một khu vực núi có nhiều đỉnh cao trên 1.000 m chạy theo hướng Tây – Đông và vươn ra sát biển.

Khu vực núi thấp (dưới 700 m): độ cao trung bình 500 m, độ dốc bình quân là 15 – 25 độ, đôi chỗ độ đốc lên tới 35 độ.

Khu vực núi trung bình (trên 700 m): độ cao trung bình là 900 m, độ dốc bình quân là 25 – 30 độ, có nhiều nơi độ dốc trên 45 độ.

Trước khi trở thành vườn quốc gia, Bạch Mã được nhiều người quan tâm vì sự nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học của nhiều loài động – thực vật quý hiếm. Với những người thích tìm về với thiên nhiên, yêu thích sự hoang sơ, đơn giản, tĩnh lặng thì vườn quốc gia Bạch Mã đúng là báu vật sống.

Cái Văn Long

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/hue-can-dau-tu-de-bach-ma-tro-thanh-mot-khu-du-lich-sinh-thai-tam-linh-va-nghi-duong-cao-cap-46508