Huế: Bia Quốc học bị cho là đã biến dạng, không còn là 'kiến trúc Pháp tiêu biểu'

27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP.Huế hiện vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế công bố có bia Quốc học (mới) khiến một số người không tán thành.

Bia Quốc học được trùng tu năm 2017

Bia Quốc học được trùng tu năm 2017

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành quyết định công bố các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu (một số nhà nghiên cứu gọi là kiến trúc Đông Dương thời thuộc địa) trên địa bàn TP.Huế.

Theo quyết định này thì trên địa bàn TP.Huế có 11 công trình các cơ quan nhà nước quản lý gồm: Cơ quan Đại học Huế, Bia Quốc học (Đài chiến sĩ trận vong do Pháp xây dựng), Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, Dãy lớp học A&B trường Đại học khoa học Huế (tên trước đây là Trường đại học Tổng hợp Huế), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival Huế, sân vận động Tự Do.

Một phần công trình khách sạn Sài Gòn – Morin, kiến trúc Pháp tiêu biểu

Trung tâm Festival Huế (trước đây là Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị), 1 trong 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu

16 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu khác thuộc sở hữu của các tổ chức gồm: ga Huế, khách sạn Sài Gòn - Morin, nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, khách sạn Le Domaine de Cocodo, nhà máy nước Vạn Niên, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Chánh tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, Tu Viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, nhà thờ Phanxico, nhà nguyện Hội dòng thánh Phao Lô.

Ga Huế, công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP.Huế nhằm tạo cơ sở định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật.

Chủ tịch UBND tỉnh này cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan có trách nhiệm công bố danh mục các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên cổng thông tin điện tử thuộc đơn vị mình quản lý; phối hợp với chủ đầu tư quản lý các công trình theo danh mục đã công bố; hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, đầu tư xây dựng; kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng công trình đúng theo quy định hiện hành.

Đáng chú ý, trong danh sách nói trên có công trình Bia Quốc học. Đây là công trình do Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20 trước Trường THPT chuyên Quốc học Huế, nằm bên bờ nam sông Hương nhằm tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở trung Kỳ thiệt mạng khi giúp Pháp đánh Đức trong Thế chiến thứ nhất.

Bia Quốc học xưa

Đây là công trình từng được giới nghiên cứu nhận xét: “Toàn bộ đều mang vẻ đẹp lạ lùng, đẹp và gợi nên cảm hứng rất Việt Nam, kể cả cái vẻ uy nghiêm bởi sự đồ sộ của nó và tính cách giật lùi thời gian mà tầng nền rộng lớn ở phía trước nó đem lại”.

Còn TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thì cho rằng Đài chiến sĩ trận vong (Monument aux Morts) là một công trình lịch sử đầy mới mẻ trong tâm thức Huế, tiêu biểu cho lý thuyết tượng đài theo văn minh Tây phương (Les lieux de Mémoire).

Tuy nhiên trải qua một thời gian dài với sự tác động của con người vào các giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là năm 2017, khi đơn vị trùng tu bia Quốc học đã làm cho công trình kiến trúc này trở nên lòe loẹt, “yếu tố gốc” về lịch sử, kiến trúc không được bảo tồn.

Ngay sau khi tên 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được công bố, trên trang Facebook cá nhân, TrS Hằng bày tỏ băn khoăn về Bia Quốc học "mới" sau khi trùng tu, không còn đảm bảo TS Hằng bày tỏ băn khoăn về Bia Quốc học "mới" sau khi trùng tu, không còn đảm bảo những giá trị nguyên thủy như một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu

Ngoài ra, việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu nói trên được nhiều nhà nghiên cứu, người dân Huế cho là chậm do đã nhiều công trình kiến trúc Pháp bị đập bỏ, làm biến dạng do xuống cấp hoặc chuyển đổi chủ sở hữu nhưng thiếu định hướng bảo tồn sớm.

Một góc Trường Quốc học Huế

Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị trên đường Lê Lợi, cạnh cầu Trường Tiền

Bảo tàng văn hóa Huế, công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu

Công trình La Residence Hue Hotel & Spa ở đầu đường Lê Lợi, gần ga Huế

Hồi năm 2003, một cuộc hội thảo cấp tỉnh về quỹ kiến trúc Huế cũng đã được tổ chức, qua đó việc khảo sát, đánh giá hướng đến bảo tồn những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu như là một bộ phận cấu thành kiến trúc, cảnh quan TP.Huế đã được đặt ra.

Tuy nhiên sau hội thảo này hầu như việc bảo tồn bị lãng quên, hoặc việc khảo sát, đánh giá, bảo tồn không thấu đáo khiến khá nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp mất dần.

Được biết, Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, từng thống kê được 200 nhà kiểu Pháp có trong TP.Huế, nhưng phần lớn đều trên 50 tuổi, nhiều công trình trên 100 năm tuổi không đảm bảo an toàn về kết cấu.

Bải, ảnh: Nhật Lam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/hue-bia-quoc-hoc-bi-cho-la-da-bien-dang-khong-con-la-kien-truc-phap-tieu-bieu-89294.html