Huawei và toàn cầu hóa 3.0

Câu chuyện Huawei (Hoa Vỹ) - tập đoàn công nghệ hùng mạnh của Trung Quốc - rơi vào 'thiên la địa võng' của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều cư dân mạng khấp khởi. Chỉ trong vòng chưa đến hai tuần, tập đoàn này bị các đối tác phương Tây - từ các hãng cung cấp phần mềm và hệ điều hành như Google cho đến phần cứng như ARM - tạm ngưng hợp tác theo yêu cầu của phía Mỹ.

Dù sao, đây cũng là tập đoàn do một cựu quân nhân quân đội Trung Quốc thành lập, và có nhiều nghi ngờ về mối quan hệ không minh bạch của họ với chính quyền. Nhiều người hào hứng theo dõi vì nghĩ mình đang là những khán giả của “đấu trường sinh tử”, ngồi trên cao để xem trâu bò húc nhau thừa sống thiếu chết. Thậm chí khi Huawei và các doanh nghiệp của Trung Quốc chịu thiệt hại, thì chính Việt Nam chúng ta được hưởng lợi: Samsung, đối thủ cạnh tranh chính của Huawei, đang sản xuất hơn một nửa số điện thoại ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Nhưng nghĩ đến Samsung, Viettel, FPT, hay gần đây là Vinsmart, người viết cho rằng chúng ta không chỉ là khán giả đơn thuần. Tai họa của Huawei sẽ là bài học lớn cho bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào muốn vươn ra thế giới.

Lý do Huawei phải đứng im chịu trận là bởi họ thực sự là một công ty toàn cầu: họ không tự sản xuất tất cả mọi linh kiện và phần mềm cần thiết cho chiếc điện thoại. Mọi doanh nghiệp công nghệ trên thế giới đều có chuỗi cung ứng trải dài khắp nơi: công nghệ gốc và phần mềm từ Mỹ, gia công phần mềm ở Ấn Độ, linh kiện bán dẫn sản xuất ở Nhật Bản, và lắp ráp thành phẩm tại Trung Quốc hay Việt Nam.

Trở thành một tập đoàn toàn cầu sẽ tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và cắt giảm chi phí: phân bổ công việc tới những nơi có chuyên môn cao nhất với chi phí phù hợp nhất. Tại sao phải lắp ráp một chiếc iPhone ở California (Mỹ) trong khi có thể làm điều đó ở Quảng Châu (Trung Quốc) với mức nhân công rẻ hơn cả chục lần?

Nhưng toàn cầu hóa cũng đồng nghĩa với việc mức độ phụ thuộc lẫn nhau sẽ gia tăng. Một biến động nhỏ từ một trong những mắt xích của chuỗi cung ứng cũng sẽ tác động lớn đến khả năng vận hành của doanh nghiệp. Chuỗi sản xuất toàn cầu cũng không phải là một hệ thống phi chính phủ theo kiểu mạnh được yếu thua, mà dựa trên trật tự và luật chơi đã được thiết lập từ trước.

Một phần của luật chơi đó được quy định trong các thể chế thương mại toàn cầu như WTO, và một phần bởi những bên tạo ra luật - trong trường hợp này là nước Mỹ. Tranh cãi về kinh tế giữa các nước phương Tây và Trung Quốc không phải bây giờ mới khởi phát, mà đã bắt đầu từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Vào thời điểm đó, phương Tây chấp nhận những ưu đãi cho Trung Quốc như một nước đang phát triển, cho phép họ thực thi các chính sách bảo hộ với kỳ vọng quốc gia này sẽ cởi mở hơn và tuân thủ luật chơi khi thịnh vượng hơn. Điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc đi kèm với tham vọng viết lại luật chơi hay thậm chí tạo lập một trật tự mới. Những tập đoàn công nghệ khổng lồ, được nhà nước ưu đãi, như Huawei, Alibaba đại diện cho tham vọng đó.

Câu chuyện Huawei, vì thế, chỉ mới là điểm khởi đầu cho xung đột về sau giữa Mỹ và Trung Quốc. Robert Kaplan, một lý thuyết gia bảo thủ nổi tiếng của phe Cộng hòa (Mỹ), còn tuyên bố rằng “Cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu”.

Sau những chuyến hành trình về vùng đất “nóng, phẳng, chật” ở Ấn Độ để tìm hiểu về các công ty phần mềm và gia công xuyên quốc gia, Thomas Friedman đã viết cuốn sách được coi là tuyên ngôn của toàn cầu hóa - Thế giới phẳng. Trong đó, ông cho rằng thế giới đã phát triển từ toàn cầu hóa 1.0 - khi các đế quốc phương Tây giong thuyền đi khắp bốn bể xâm chiếm thuộc địa, tới toàn cầu hóa 2.0 - khi các công ty đa quốc gia (MNCs) mở rộng thị trường lên năm châu sau chiến tranh thế giới, và hiện nay - khi toàn cầu hóa 3.0 mở ra một thế giới kết nối phức tạp đến từng cá nhân nhờ Internet và công nghệ viễn thông.

Trong thế giới đó, sẽ không có ai là khán giả. Bất kỳ một thay đổi nào cũng sẽ tác động đến từng ngóc ngách của hệ thống, dù theo mức độ khác nhau. Nói như người Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng là tai ương hay vận may tùy thuộc vào điểm nhìn của mỗi người.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289415/huawei-va-toan-cau-hoa-30.html