Huawei và tham vọng công nghệ của Trung Quốc

Với việc ra mắt công nghệ 5G trong những năm tới, cuộc chạy đua giành quyền chi phối các tiêu chuẩn và kiểm soát an ninh cũng như lưu lượng dữ liệu càng khiến cuộc chạy đua công nghệ cao giữa hai đối thủ Mỹ và Trung Quốc thêm phần gay cấn.

Với việc ra mắt công nghệ 5G trong những năm tới, cuộc chạy đua giành quyền chi phối các tiêu chuẩn và kiểm soát an ninh cũng như lưu lượng dữ liệu càng khiến cuộc chạy đua công nghệ cao giữa hai đối thủ Mỹ và Trung Quốc thêm phần gay cấn.

Hình ảnh mô tả phiên tranh luận việc bảo lãnh tại ngoại cho bà Mạnh Vãn Chu tại tòa án Vancouver, Canada. Ảnh: Reuters

Hình ảnh mô tả phiên tranh luận việc bảo lãnh tại ngoại cho bà Mạnh Vãn Chu tại tòa án Vancouver, Canada. Ảnh: Reuters

Việc bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt giữ đang khiến Bắc Kinh rối như tơ vò. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này một mặt không muốn đạt được sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và “lòng tự tôn dân tộc” trong việc bảo vệ bà Mạnh trước “đòn tấn công” kết hợp của Mỹ và Canada.

Cuộc đua gay cấn

Dù chưa rõ vụ việc sẽ đi đến đâu với kết quả như thế nào, nhưng có thể thấy, trước mắt, tham vọng của Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh công nghệ 5G thế hệ tiếp theo đang vấp phải một vật cản lớn. Đó là mối lo ngại các Cty viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei có thể đóng vai trò ủy nhiệm trong âm mưu thâm nhập an ninh của Bắc Kinh.

Viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) là bước ngoặt tiếp theo trong cách mạng số, đem lại khả năng kết nối tức thời và chứa đựng khối lượng dữ liệu khổng lồ. Công nghệ này cũng cho phép thế giới áp dụng rộng rãi công nghệ trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), ô-tô và nhà máy tự động hóa – những tiến bộ mà Trung Quốc đang cực kỳ muốn dẫn đầu. Theo giới phân tích, với việc ra mắt công nghệ 5G trong những năm tới, cuộc chạy đua giành quyền chi phối các tiêu chuẩn và kiểm soát an ninh cũng như lưu lượng dữ liệu càng khiến cuộc chạy đua công nghệ cao giữa hai đối thủ Mỹ và Trung Quốc thêm phần gay cấn.

Vị thế của tập đoàn công nghệ Huawei với tư cách nhà cung cấp thiết bị quan trọng cho hệ thống viễn thông – hầu hết tại các thị trường đang phát triển - trao cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Tuy nhiên, hiện dấy lên nhiều lo ngại về việc Huawei đe dọa vị thế dẫn đầu này của Trung Quốc. “Đây là mối đe dọa lớn bởi nếu Huawei mất quyền tiếp cận các thị trường phương Tây, điều này sẽ ảnh hưởng khả năng phát triển và tài trợ cho bộ phận nghiên cứu và phát triển R&D của tập đoàn này”, ông Paul Triolo, chuyên gia của Eurasia Group, nhận định. Ngoài ra, nó cũng cản trở kế hoạch triển khai mạng 5G tại Trung Quốc, vốn là một phần quan trọng trong tổng thể nỗ lực nâng cấp cơ sở công nghiệp của nước này. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo hậu quả thảm khốc cho Trung Quốc nếu Mỹ đưa ra lệnh cấm bán vi mạch và các công nghệ quan trọng khác của Mỹ cho Huawei.

Thật sự, nếu Mỹ cắt đứt nguồn cung vi mạch của Huawei và tiếp tục cô lập tập đoàn này, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều hậu quả mà ZTE – một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc - phải gánh chịu.

“Số phận” CFO Huawei sẽ như thế nào?

Trung Quốc, tất nhiên muốn giải quyết vụ việc nhanh và gọn gàng nhất có thể. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ cả Canada và Mỹ. Ngày 11-12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi công dân ở nước ngoài bằng mọi cách. “Chúng tôi luôn lo ngại về sự an toàn và thịnh vượng của mỗi một đồng bào chúng tôi trên toàn thế giới. Phía Trung Quốc sẽ không thờ ơ ngồi yên xem sự quấy rầy công dân Trung Quốc và vi phạm các quyền hợp pháp của họ” ông Vương Nghị nói.

Tuy nhiên, cho đến nay, Tòa án ở Vancouver, Canada vẫn chưa quyết định có cho phép bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại hay không. Tòa dự kiến sẽ mở lại phiên tranh luận vào lúc 1 giờ sáng 12-12 (giờ Việt Nam). Các công tố viên Mỹ muốn bà Mạnh được dẫn độ sang Mỹ, nơi bà bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng đa quốc gia về sự kiểm soát của Huawei đối với một Cty hoạt động tại Iran, đẩy các ngân hàng này vào “thế nguy hiểm” khi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này. Các luật sư của bà Mạnh đề nghị được nộp 15 triệu CAD (11,3 triệu USD) để bảo lãnh tại ngoại và khẳng định các thiết bị theo dõi công nghệ cao sẽ đảm bảo bà Mạnh không thể bỏ trốn.

Động thái này của tòa Vancouver cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đe dọa Canada sẽ lãnh những “hậu quả” không được nêu tên cụ thể nếu Ottawa không trả tự do cho bà Mạnh, thì không chỉ Huawei, giới doanh nhân Canada vô cùng lo ngại về những gì xảy ra tiếp theo.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_199486_.aspx