Huawei tiếp tục 'gặp hạn' với chính phủ Mỹ

Huawei Technologies Co Ltd đang bị chính quyền Mỹ điều tra về cáo buộc 'ăn cắp' công nghệ của các đối thủ.

Huawei tiếp tục bị chính phủ Mỹ điều tra

Huawei tiếp tục bị chính phủ Mỹ điều tra

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 29/8 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các công tố viên Mỹ đang điều tra các trường hợp “đánh cắp” công nghệ liên quan đến tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co Ltd.

Huawei bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ từ nhiều cá nhân và tổ chức trong nhiều năm, cũng như chiêu mộ nhân viên từ các công ty đối thủ nhằm tận dụng những thông tin cần thiết để phát triển sản phẩm.

Wall Street Journal cho hay, Chính phủ Mỹ đang điều tra một vài khía cạnh trong các hành vi kinh doanh của Huawei, vốn không được nêu trong bản cáo trạng đưa ra hồi đầu năm nay.

Đây không phải lần đầu tiên Huawei bị cáo buộc dùng các "chiêu trò" để ăn cắp công nghệ. Nạn nhân của Huawei có thể là những công ty lâu đời như Cisco hay T-Mobile, cũng có khi là một nhạc sĩ ít tên tuổi hay công ty startup chưa có khách hàng. Tuy nhiên, khá kỳ lạ khi những cáo buộc trước đây đều được tập đoàn Trung Quốc này giải quyết khá gọn.

Huawei đã từng bị kiện vì ăn cắp công nghệ

Huawei từng bị nhiều tập đoàn cũng như cá nhân tố "ăn cắp"

Tháng 1/2003, Cisco cáo buộc Huawei sao chép phần mềm và hướng dẫn sử dụng. Đây là lần đầu tiên Huawei bị kiện về hành vi ăn cắp công nghệ ở nước ngoài.

Tài liệu kiện của Cisco cho rằng Huawei “sao chép nguyên văn nhiều đoạn trong hướng dẫn sử dụng của Cisco”. Theo Cisco, hướng dẫn sử dụng được trang bị kèm với các bộ định tuyến và phần mềm hiển thị khi vận hành là những thứ dễ bị sao chép.

Huawei sao chép trắng trợn đến mức nhiều lỗi trong phần mềm của Cisco cũng bị giữ y hệt trên sản phẩm Huawei. Lỗi chính tả ở hướng dẫn sử dụng Cisco cũng được sao chép lên văn bản của Huawei.

Năm 2010, sau 2 thập niên đầu tư vào Trung Quốc, Motorola cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ trạm phát sóng SC300 dành cho vùng ngoại ô.

Theo tài liệu kiện, ông Pan Shaowei, một người họ hàng của ông Nhậm từng làm việc tại Motorola đã mang tài liệu của SC300 về Trung Quốc cho Huawei năm 2003.

Vào năm 2014, T-Mobile đã kiện Huawei, cáo buộc công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ liên quan đến Tappy. Đây là loại robot có nhiệm vụ thực hiện các bài kiểm tra chất lượng QC (Quality Control).

T-Mobile đã cáo buộc nhân viên của Huawei đã chụp ảnh trái phép Tappy khi đến thăm trụ sở của hãng này. Một nhân viên khác của Huawei sau đó đã lén tháo rời các bộ phân của robot và bỏ vào trong túi sách. Huawei sau đó đã thừa nhận rằng robot của họ không tốt bằng T-Mobile. Đây là lý do dẫn đến hành vi trộm cắp công nghệ.

Mới đây nhất vào tháng 5/2018, nhạc sĩ Paul Cheveer cũng đệm đơn kiện Huawei sử dụng trái phép bản nhạc của ông khi dùng làm nhạc chuông của mình. Tuy nhiên, Huawei đã phản hồi rằng hãng sử dụng bản nhạc này trước khi Paul đăng ký bản quyền. Vụ kiện này tới nay vẫn đi vào bế tắc.

Ngoài ra, Huawei cũng thường săn đón các cựu nhân viên từng làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple. Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhiều câu hỏi về các sản phẩm và công nghệ mới của Apple đã được đặt ra để tìm cách moi thông tin từ họ. Đó cũng là lý do không ít người tham gia phỏng vấn cho rằng Huawei muốn thông tin về Apple hơn là khả năng làm việc của mình.

Châu Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/huawei-tiep-tuc-gap-han-voi-chinh-phu-my-86410.html