Huawei thực sự đã thua trước Mỹ?

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei nhượng lại cổ phần công ty cáp viễn thông giữa khó khăn cấm vận, chấp nhận viễn cảnh như ZTE, Rusal.

Huawei vừa tuyên bố sẽ sang nhượng 51% cổ phần trong công ty con là Huawei Marine Systems, hoạt động trong lĩnh vực cáp viễn thông dưới biển.

Một hệ thống sản phẩm của Huawei Marine Systems được xây dựng tại Nigeria.

Một hệ thống sản phẩm của Huawei Marine Systems được xây dựng tại Nigeria.

Reuters đưa tin về ý định của hãng này cho biết, thương vụ này đã được công ty Hengtong Optic-Electric có trụ sở ở Giang Tô, Trung Quốc và Huawei Marine Systems ký kết.

Hengtong Optic-Electric tại Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải ngày 3/6 đã thông tin: Hai bên đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc mua bán cổ phần. Hengtong sẽ trả cho Huawei bằng tiền mặt và cổ phiếu, nhưng mức giá cụ thể của thương vụ không được công bố.

Kế hoạch bán tài sản của Huawei diễn ra trong bối cảnh hai mảng kinh doanh chính của công ty là thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) gặp khó do sức ép ngày càng lớn của Mỹ.

Hồi tháng 3, tờ Wall Street Journal đã dẫn lời giới quan chức an ninh Mỹ nói rằng, các hệ thống cáp quang biển do Huawei xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Huawei đã bác bỏ cáo buộc này.

Huawei Marine được thành lập vào năm 2008 và là một liên doanh với Global Marine của Anh. Huawei Marine chuyên xây dựng các tuyến cáp quang dưới biển trên phạm vi toàn cầu.

Tháng 8/2018, Huawei đã giành cổ phần đa số trong Huawei Marine (51%). Trong khi đó, Global Marine nắm 49% cổ phần trong Huawei Marine.

Theo báo cáo thường niên của Huawei, năm 2018, Huawei Marine đạt doanh thu 394 triệu Nhân dân tệ (tương đương hơn 57 triệu USD), lợi nhuận ròng 115 triệu Nhân dân tệ (hơn 16,65 triệu USD).

Huawei đã thua thực sự?

Kịch bản Huawei từ bỏ cổ phần ở công ty cáp quang biển được cho là không khó đoán khi điều này đã từng diễn ra với các công ty bị Mỹ nhắm mục tiêu là công ty viễn thông Trung Quốc ZTE và Công ty nhôm Rusal của Nga.

ZTE đã phải ký với chính phủ Mỹ bao gồm khoản phạt 1 tỷ USD, cộng thêm 400 triệu USD giao kèo để phòng ngừa khả năng ZTE vi phạm thỏa thuận trong tương lai, và 361 triệu USD là khoản nộp phạt của ZTE theo thỏa thuận với Chính phủ Mỹ từ năm ngoái. Tổng cộng, ZTE sẽ phải nộp cho Washington 1,7 tỷ USD.

Nguồn tin chia sẻ với Reuters cho hay, theo thỏa thuận được ký, phía Mỹ sẽ được tới hiện trường bất kỳ lúc nào để kiểm tra xem liệu linh kiện do Mỹ cung cấp có được sử dụng đúng như ZTE tuyên bố hay không. ZTE cũng sẽ phải đăng thông tin về linh kiện Mỹ trong sản phẩm của mình trên website, và thay Hội đồng Quản trị và bộ máy điều hành công ty trong vòng 30 ngày.

Việc thay đổi Hội đồng quản trị của Công ty cũng đã từng xảy ra với Rusal và tỷ phú nhôm Nga Oleg Deripaska. Ông Deripaska đã phải chuyển nhượng các cổ phần của mình tại 3 công ty: Rusal, En + Group và EuroSiobEnergo, đảm bảo không chi phối đến hoàn toàn hoạt động của các công ty này. Điều này đảm bảo rằng phần lớn thành viên Hội đồng quản trị En + và Rusal sẽ là các giám đốc độc lập, những người không có mối quan hệ kinh doanh với Deripaska.

Oleg Deripaska còn phải mất rất nhiều tiền để có được đàm phán và đi đến thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ và được giảm cổ phần của mình ở 3 công ty nói trên.

Theo thỏa thuận, quyền sở hữu của Deripaska trong EN + giảm từ khoảng 70% xuống còn khoảng 45%. Thực tế Oleg Deripaska chỉ giữ 35% trong số 70% cổ phần các công ty nói trên. Số còn lại đều là vợ cũ, bố vợ nắm giữ. Điều này khiến ông Oleg Deripaska nắm toàn quyền kiểm soát các gã khổng lồ trong ngành công nghiệp nhôm thế giới.

Ông Oleg Deripaska buộc phải chuyển 25% cổ phần cho một bên thứ ba không có quan hệ với Deripaska. Bên nhận từng được cho là cho một ngân hàng Mỹ.

Những gì Huawei đang hành động là minh chứng rõ nhất về các tác động của lệnh cấm từ chính quyền ông Donald Trump ảnh hưởng trực tiếp với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Bên cạnh việc giảm bớt cổ phần của mình ở các công ty thành viên, Huawei cũng vừa phải giảm đơn đặt hàng sản xuất điện thoại thông minh với Foxconn vì tình hình khó khăn trước mắt.

Niềm tự hào của công nghệ Trung Quốc đã phải xem xét mục tiêu mà họ đã đặt ra trong năm 2020 trở thành hãng smartphone bán chạy nhất thế giới.

Diễn biến hiện tại đang đe dọa sự tự tin của CEO Huawei Nhậm Chính Phi nói rằng, công ty này sẽ không chịu chấp nhận theo các đề xuất quản lý và giám sát của Mỹ nhằm tránh kịch bản phá sản và gỡ bỏ lệnh cấm như ZTE từng làm.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/huawei-thuc-su-da-thua-truoc-my-3381243/