Huawei kiện chính quyền Trump, Mỹ khóa đường sắt Trung Quốc

Đường sắt Trung Quốc sắp trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ, Huawei kiện chính quyền Trump tung lệnh cấm khắp thế giới.

Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc- Huawei mới đây đã nộp đơn kiến nghị yêu cầu Tòa án Mỹ dỡ lệnh cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của tập đoàn này. Huawei cho rằng, các lệnh cấm này là vi hiến.

Song Liuping, Trưởng phòng pháp chế Tập đoàn Huawei

Song Liuping, Trưởng phòng pháp chế Tập đoàn Huawei

Song Liuping, Trưởng phòng pháp chế Tập đoàn Huawei cho biết, công ty Trung Quốc này đã nộp kiến nghị lên Tòa án liên bang Mỹ ở Plano, Texas, yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sản phẩm của Huawei.

Lệnh cấm được nhắc tới là Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó yêu cầu các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ không mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei hay hợp tác với bên thứ ba là khách hàng của tập đoàn Trung Quốc này.

"Hy vọng tòa án Mỹ sẽ tuyên bố lệnh cấm Huawei là vi hiến và cấm thực thi" - ông Song nói.

Huawei lập luận rằng lệnh cấm được nêu trong Điều 889 của NDAA là vi hiến khi "trừng phạt một người hoặc một nhóm mà không cần xét xử".

"Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Chẳng có lửa, cũng không có khói, chỉ toàn là suy đoán... Huawei tin vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ và hy vọng tòa án sẽ sửa chữa những sai lầm trong NDAA" - ông Song tuyên bố.

Đơn kiến nghị này của Huawei đề nghị thẩm phán tòa án liên bang ra "quyết định tóm lược" nhằm nhanh chóng giải quyết khiếu nại của họ dựa trên những thông tin đã được cung cấp mà không cần phải trải qua tiến trình xét xử đầy đủ.

Tòa án quận phía Đông Texas dự kiến mở phiên xử vào ngày 19/9, điều này đồng nghĩa với việc Huawei tiếp tục chịu áp lực từ Đạo luật NDAA trong vài tháng tới.

Trong trường hợp Huawei thắng kiện, hãng này hy vọng sẽ có các cuộc thảo luận với chính phủ Mỹ. Huawei từ lâu cho rằng sự vắng mặt của họ khỏi thị trường Mỹ sẽ cản trở cạnh tranh và khiến Mỹ tụt hậu trong việc tiến tới công nghệ mạng 5G.

Huawei nhắc tới đơn kiện này 3 tháng sau khi nộp hồ sơ vào tháng 3 năm nay.

Khi đó, ông Guo Ping - Chủ tịch luân phiên của Huawei tuyên bố: "Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc đưa ra bằng chứng chính đáng để hạn chế các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý như một giải pháp phù hợp cuối cùng".

Ông Guo còn cáo buộc chính phủ Mỹ "tấn công các máy chủ, đánh cắp email và mã nguồn" của Huawei, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về việc này.

"Lệnh cấm này không chỉ bất hợp pháp mà còn ngăn Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, cuối cùng lại gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi mong chờ phán quyết của tòa án và tin rằng nó sẽ có lợi cho cả Huawei và người Mỹ" - Chủ tịch Huawei cho biết, nói thêm rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ mang lại sự linh hoạt cần thiết cho chính phủ Mỹ để hợp tác với Huawei và giải quyết các vấn đề an ninh thực sự.

Chính quyền Mỹ chưa có bình luận gì về vụ kiện.

Trong khi đó, các Thượng nghị sĩ Mỹ có thể xem xét trừng phạt tiếp một công ty Trung Quốc khác là Tập đoàn đường sắt CRRC - doanh nghiệp quốc doanh đang có ý định triển khai dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm quanh khu vực thủ đô Washington DC.

Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đưa tin ngày 25/5 cho biết, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ bao gồm Mark Warner và những người khác đến từ các vùng lân cận thủ đô Washington đã đệ trình một dự luật về khả năng này.

Trong đó, một điều khoản ghi rõ: "Cấm các nhà khai thác tàu điện ngầm Washington ký hợp đồng đường sắt với bất kỳ công ty sở hữu hoặc liên quan đến tài chính thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường".

Dự luật không đề cập đến các quốc gia hoặc công ty cụ thể nào nhưng nó được cho nhắm vào CRRC của Trung Quốc.

Mỹ có thể sẽ cấm CRRC làm dự án ở Washington.

"Việc sử dụng phương tiện đường sắt Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với an ninh Mỹ" - Thượng nghị sĩ Warner phát biểu ở cuộc họp báo trong ngày đệ trình dự luật.

Đồng thời, ông Warner cảnh báo, có khả năng các phương tiện do Trung Quốc sản xuất sẽ được sử dụng như một công cụ để thu thập các cuộc gọi và hình ảnh trong tàu điện ngầm.

Khả năng CRRC bị trừng phạt diễn ra trong bối cảnh công ty này đã ký hợp đồng tàu điện ngầm loại mới với các thành phố lớn như Los Angeles, Chicago, Boston và Philadelphia.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/huawei-kien-chinh-quyen-trump-my-khoa-duong-sat-trung-quoc-3380954/