Huawei khó sống được ở thị trường châu Âu

Thêm Thụy Điển từ chối hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia vào dự án mạng 5G quốc gia.

Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) hôm 20/10 phát đi thông cáo, họ đã ban hành lệnh cấm các tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE tham gia thiết lập cơ sở hạ tầng cho mạng 5G vì lý do an ninh.

Huawei tiếp tục bị cấm cửa ở châu Âu.

Huawei tiếp tục bị cấm cửa ở châu Âu.

"Lệnh cấm trên phù hợp với điều luật mới đi vào hiệu lực hồi tháng 1/2020, sau khi lực lượng vũ trang và an ninh Thụy Điển tiến hành một cuộc kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng thiết bị vô tuyến của Huawei và ZTE không gây nguy hại đến an ninh" - PTS cho biết.

PTS cũng thông báo đã chấp thuận 4 công ty đăng ký đấu thầu 5G dự kiến bắt đầu vào ngày 10/11. Bốn công ty này đều thuộc Thụy Điển, bao gồm Hi3G Access, Net4Mobility, Telia Sweden và Teracom.

Tại Thụy Điển, Huawei cùng với ZTE sẽ phải dỡ bỏ mọi thiết lập hiện có trước ngày 1/1/2025.

Lệnh cấm được đưa ra sau đánh giá của lực lượng an ninh và quân đội Thụy Điển cho rằng Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất của nước này, theo Reuters.

Lệnh cấm được đưa ra cộng thêm vào danh sách nối dài các công ty châu Âu từ chối chấp nhận Huawei được phát triển hạ tầng mạng 5G quốc gia. Huawei là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới và là hãng tiên phong trong việc phát triển mạng 5G.

Huawei đã chọn thị trường châu Âu là thị trường lớn của họ trong chiến lược mở rộng hạ tầng mạng 5G trên toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị ngăn lại bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính quyền Mỹ cáo buộc Tuawei và ZTE là công cụ gián điệp của Trung Quốc và đã ban hành lệnh cấm dù Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng vận động các nước đồng minh tránh sử dụng thiết bị của 5G trong hệ thống mạng internet.

Hồi tháng 7, Anh cấm các hãng cung cấp dịch vụ di động sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G và ra thời hạn đến năm 2027 để loại bỏ toàn bộ thiết bị của hãng viễn thông Trung Quốc.

Nhưng theo các đánh giá, với độ phổ cập của Huawei tại châu Âu lâu nay, việc loại bỏ các thiết bị của Huawei dường như là câu chuyện không dễ.

Thống kê của công ty nghiên cứu Strand, Deutsche Telekom - nhà cung cấp viễn thông lớn nhất châu Âu, hiện sử dụng linh kiện Huawei cho các hệ thống mạng đặt tại Áo, Croatia, Czech, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Năm ngoái, Deutsche Telekom ký thỏa thuận với Huawei, trong đó yêu cầu công ty Trung Quốc trữ linh kiện trong trường hợp thiếu hụt.

Cùng với Deutsche Telekom, Telefónica của Tây Ban Nha và Orange của Pháp cũng phụ thuộc nhiều vào thiết bị mạng của Huawei. Tập đoàn viễn thông Vodafone của Anh dùng thiết bị Huawei ở các hệ thống mạng đặt tại Czech, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Italy, Malta, Cyprus, Romania, Tây Ban Nha và Anh.

Nếu phải loại bỏ toàn bộ các thiết bị của Huawei, họ không những phải đối mặt với việc thiếu nhà cung cấp mà còn phải tính đến việc gia tăng chi phí chưa từng có.

Hiện các nhà khai thác viễn thông châu Âu vẫn phụ thuộc vào Huawei, đặc biệt là mạng 4G. Theo ước tính của Strand Consulting, Huawei đang có hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông ở hầu hết các quốc gia EU, trừ một số nước như Slovakia.

Nếu lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei lâm vào thế khó, một số chuyên gia dự đoán châu Âu "có rất nhiều thứ sẽ mất".

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/huawei-kho-song-duoc-o-thi-truong-chau-au-3421019/