Huawei gặp ác mộng ngay tại Trung Quốc vì đẩy nhân viên vào tù

Huawei đang hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc sau vụ cựu nhân viên hãng này bị bắt và tống giam 251 ngày chỉ vì cáo buộc không có chứng cứ về việc tống tiền công ty.

Bà Mạnh Vãn Châu bị giới chức Canada quản thúc hơn 1 năm nay

Bà Mạnh Vãn Châu bị giới chức Canada quản thúc hơn 1 năm nay

Li Hongyuan vừa được thả vào đầu năm nay vì thiếu bằng chứng cho thấy anh có tội. Nhưng số phận của nhân viên này trở thành cơn ác mộng về truyền thông đối với Huawei trong giai đoạn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến tập đoàn này cần dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Huawei trở thành lá cờ khơi dậy chủ nghĩa yêu nước ở Trung Quốc khi căng thẳng giữa nước này với Mỹ leo thang. Trong vài tháng gần đây, lượng bán hàng của Huawei tại thị trường trong nước cao hơn ở nước ngoài.

Nhưng công ty này đang đối mặt với làn sóng giận dữ của dư luận từ khi một tài liệu được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tuần trước cho thấy Li được chính phủ bồi thường 107.522 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) vì phải ngồi tù oan từ tháng 12/2018-8/2019. Văn bản đó có vẻ xuất phát từ văn phòng công tố của một quận ở Thâm Quyến, nói chi tiết về vụ việc của Li đối với Huawei.

CNN dẫn lời luật sư đại diện cho Li xác nhận chi tiết trong văn bản đó cũng như khoản tiền bồi thường. Và một tài liệu khác thông báo việc không buộc tội Li được văn phòng công tố đó đưa lên mạng vào tháng 8 năm nay nói rõ hơn vụ việc, trong đó có bối cảnh Li phải rời khỏi Huawei.

“Những sự thật về tội danh của Li mà cảnh sát Thâm Quyến đưa ra không rõ ràng, bằng chứng không đủ và không đáp ứng đủ điều kiện để truy tố”, tài liệu của văn phòng công tố viết.

Tài liệu này cho biết Li rời khỏi Huwei vào tháng 1/2018 và đàm phán một thỏa thuận nghỉ việc. Hai tháng sau, một nhân việc Huawei chuyển 304.742 tệ vào tài khoản của Li.

Một khoảng thời gian sau đó, Huawei báo cảnh sát và cáo buộc Li tống tiền, nói rằng khoản tiền chuyển vào tài khoản của Li là theo yêu cầu của Li nhằm gây sức ép với công ty.

Li bị cảnh sát bắt tạm giam vào tháng 12/2018 và chính thức bị bắt giữ 1 tháng sau đó.

Theo tài liệu của văn phòng công tố, cảnh sát xác định rằng Li đã “đe dọa” sẽ phơi bày “những hoạt động kinh doanh trái phép” của sếp trong công ty với các kiểm toán nhà nước và sử dụng thông tin đó để gây sức ép với công ty.

Các luật sư của Li khẳng định thân chủ của mình không “đe dọa hay ép buộc” bất kỳ ai.

Trong một tuyên bố gửi tới CNN, đội bào chữa cho Li xác nhận thân chủ của họ không bị truy tố mà còn được chính phủ bồi thường. Họ nhấn mạnh rằng Li được xóa tội và nhấn mạnh “thái độ công bằng và khách quan” của văn phòng công tố trong quá trình tố tụng.

Huawei không nhắc đến kết luận của các công tố viên rằng Li đe dọa phơi bày cái được mô tả là hoạt động phạm pháp.

Câu chuyện của Li bắt đầu lộ ra ngay trước dịp tròn 1 năm giới chức Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch phụ trách tài chính của tập đoàn và cũng là con gái nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi.

Báo chí nhà nước và nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ quyết liệt bà Mạnh, chỉ trích cái họ gọi là “âm mưu” của chính phủ Mỹ và Canada nhằm sử dụng bà để cản trở Huawei và Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.

Nhưng sau khi vụ án của Li được làm sáng tỏ, nhiều tiếng nói trên mạng xã hội Trung Quốc đột nhiên quay lưng với Huawei. Vụ án này trở thành chủ đề xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc trong những ngày qua.

Một bình luận được chia sẻ rộng rãi là: “Nếu bạn giẫm lên chân ai, bạn cần nói xin lỗi; hành động của Huawei khiến một công dân mất tự do trong 251 ngày, làm sao mà công ty không cảm thấy cần phải xin lỗi?”

“Huawei mất lượng người hâm mộ lớn vì những người đó giờ nhìn thấy một Huawei khác: một con quái vật kỳ lạ không có sự đồng cảm và trở thành kẻ bắt nạt”, bình luận viết tiếp.

Ngay cả số phận bà Mạnh Vãn Châu giờ cũng bị nhiều người Trung Quốc chỉ trích trên mạng.
“Có một người đàn ông, tầm tuổi như bà, và cũng là công dân Trung Quốc, cùng làm trong công ty với bà. Anh ấy phải ngồi sau song sắt nhưng không có ngọn hải đăng nào cho anh ấy”, một cư dân mạng có nickname là Laonanchai viết trên mạng xã hội Zhihu.

“Giờ cần phải nghĩ lại vụ việc của bà Mạnh, nó thực sự là nghiệp chướng”, một người dùng khác tên là Haiyan Gongzhu bình luận.

Bình Giang

theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/huawei-gap-ac-mong-ngay-tai-trung-quoc-vi-day-nhan-vien-vao-tu-1494067.tpo