Huawei 'đòi' lại quyền lợi trước lệnh cấm của Mỹ

Tập đoàn Huawei đã khiếu nại lên tòa án Mỹ đối với quyết định cấm mua các thiết bị Hawei của Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) hồi cuối tháng 11/2019.

Huawei còn khẳng định FCC đã vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Huawei còn khẳng định FCC đã vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Theo đó, lý do khiếu nại của Huawei được đưa ra bao gồm: FCC đã không chứng minh được các mối đe dọa từ thiết bị của Huawei, và yêu cầu tòa án Mỹ thu hồi lệnh của FCC cấm các công ty viễn thông sử dụng ngân sách để mua thiết bị của Huawei và ZTE.

Không chỉ vậy, Huawei còn khẳng định FCC đã vi phạm Hiến pháp Mỹ.

“Cấm một công ty như Huawei, chỉ bởi vì chúng tôi khởi nghiệp ở Trung Quốc, không giải quyết được các thách thức về an ninh mạng”, Giám đốc pháp lý của Huawei, Tiến sĩ Song Liuping cho biết.

Glen Nager, cố vấn trưởng của Huawei về pháp lý, cho biết quyết định được chấp nhận bởi FCC vượt quá “thẩm quyền theo luật định” của cơ quan này, vì FCC không được phép đưa ra các phán quyết về an ninh quốc gia hoặc hạn chế sử dụng các quỹ USF dựa trên các phán quyết đó.

Vụ kiện mới nhất này nằm trong chiến lược tổng thể của Huawei nhằm chống lại sức ép của Washington với Huawei, thông qua hệ thống tòa án và dư luận Mỹ. Hồi tháng 3, Huawei cũng kiện chính phủ Mỹ vì luật cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của hãng này.

Còn về phía Mỹ, mới đây Bộ trưởng Wilbur Ross cho rằng đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei "đang công khai ủng hộ các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để né tác động từ việc Washington đưa Huawei vào danh sách đen". Điều này được cho là vi phạm luật pháp Mỹ.

Không chỉ liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt và các cáo buộc lên Huawei, sau khi “vận động hành lang” không thành công với các quốc gia liên minh về việc mua sắm các thiết bị viễn thông của Huawei, thì mới đây Mỹ đã có kế hoạch chi tiền mạnh để thúc đẩy các nước và doanh nghiệp mua thiết bị viễn thông từ công ty khác, thay cho thiết bị của hai hãng công nghệ Huawei, ZTE của Trung Quốc.

Một cơ quan mới, được gọi là Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), vừa được lập ra và có kế hoạch khai thác khoản ngân sách 60 tỷ USD nhằm giúp các nước đang phát triển và doanh nghiệp mua thiết bị từ nhà cung cấp khác ngoài hai công ty Trung Quốc nêu trên.

Trước đó vào tháng 5/2019, chính phủ Mỹ đưa Huawei Technologies Co Ltd vào danh sách đen thương mại vì lo ngại an ninh quốc gia, buộc một số nhà cung cấp phải xin giấy phép đặc biệt để bán thiết bị cho công ty công nghệ Trung Quốc.

Trước các sức ép từ phía Mỹ, ông Nhậm Chính Phi - Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ Huawei tuyên bố lệnh cấm không phải vấn đề quá lớn với Huawei, công ty "có thể tồn tại mà không cần thị trường Mỹ". Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, xếp trên Apple và chỉ sau Samsung.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/huawei-doi-lai-quyen-loi-truoc-lenh-cam-cua-my-162809.html