Huawei đã làm mạng di động cho Triều Tiên?

Báo Mỹ cho rằng, Huawei có thể đã được Triều Tiên cho phép xây dựng và duy trì mạng di động ở nước này và kiểm soát chặt chẽ.

Ngày 22/7, báo Washington Post đưa tin, tập đoàn công nghệ Huawei có thể đã bí mật giúp Triều Tiên xây dựng và duy trì hệ thống mạng di động không dây.

Lễ khánh thành dịch vụ liên lạc di động thế hệ thứ ba tại Bình Nhưỡng vào ngày 15/ 12/2008. Ảnh: KCNA/ Reuters

Lễ khánh thành dịch vụ liên lạc di động thế hệ thứ ba tại Bình Nhưỡng vào ngày 15/ 12/2008. Ảnh: KCNA/ Reuters

Washington Post và trang mạng 38 North (38 độ Bắc) chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho hay, Huawei đã giúp Triều Tiên xây dựng Koryolink, hệ thống mạng di động được ra mắt vào năm 2008 và bị chính quyền Bình Nhưỡng kiểm soát chặt chẽ.

Washington Post dẫn một số tài liệu nội bộ do một cựu nhân viên Huawei tiết lộ cho biết tập đoàn này đã hợp tác với một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc là Panda International Information Technology Co Ltd., trong một số dự án ở Triều Tiên suốt 8 năm qua.

Theo nguồn tin này, sự hợp tác giữa hai bên bắt đầu từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il đến thăm trụ sở của Huawei vào năm 2006.

Trong dự án Koryolink, Huawei sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng di động, quản lý và bảo mật hệ thống mạng, trong khi Panda International sẽ đảm nhận mảng phần mềm và công tác vận chuyển trang thiết bị của Huawei.

Báo Mỹ cáo buộc, Koryolink cho phép Triề Tiên kiểm soát toàn bộ thông tin về cuộc gọi, văn bản, dữ liệu và fax được gửi trên mạng. Còn Chính phủ thì sử dụng mã hóa do Triều Tiên thực hiện để ngăn chặn các cuộc đối thoại của họ bị theo dõi.

Theo tờ báo Mỹ, Huawei đã được nhận nhiệm vụ kiểm tra chức năng mã hóa hoạt động tốt như thế nào.

Những thông tin này sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu Huawei có sử dụng công nghệ của Mỹ trong các linh kiện và có vi phạm chính sách kiểm soát hoạt động xuất khẩu nhằm cung cấp thiết bị cho Triều Tiên hay không.

Các chuyên gia tin rằng thiết bị 3G của công ty được sử dụng cho Koryolink cũng bao gồm ít nhất một số thành phần của Mỹ dù rất khó để phân biệt con số 10%. Năm 2014, Panda đã bị cấm nhận thiết bị từ Mỹ và do đó, Huawei có thể đã vi phạm lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ nếu bất kỳ thiết bị nào của hãng chứa ít nhất 10% linh kiện Mỹ.

Tờ báo Mỹ cho rằng, Huawei cũng cố gắng giữ bí mật công việc của mình ở Bắc Triều Tiên bằng cách cung cấp cho quốc gia tên mã là A9 lu trong các tài liệu chính thức. Khi làm việc với Iran và Syria, Huawei đã sử dụng tên mã tương tự để tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên, trong một phản ứng về tin tức được báo Mỹ đăng tải, Huawei khẳng định “không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Triều Tiên" song cũng không nói về khả năng từng thực hiện dự án hay không.

"Huawei cam kết tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia và khu vực nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm tất cả các luật và quy định về kiểm soát xuất khẩu và xử phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu" - tuyên bố từ Huawei nêu rõ.

Koryolink không còn được hoạt động và đã được thay thế bằng mạng Kang Song được ZTE hỗ trợ, ra mắt vào năm 2013.

Washington Post còn cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra về những mối quan hệ giữa Huawei và Triều Tiên từ năm 2016 nhưng chưa liên hệ công khai với cả hai bên.

Washington Post cho hay Huawei và Panda đã bỏ trống văn phòng tại Bình Nhưỡng hồi đầu năm 2016.

Tin tức này đến vào thời điểm nhạy cảm khi nước Mỹ đang đối đầu thương mại với Trung Quốc, đồng thời muốn thắt chặt quan hệ hơn nữa với Triều Tiên.

Huawei đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại vào tháng 5 năm nay với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Huawei đã phủ nhận vi phạm kiểm soát xuất khẩu liên quan đến Iran và các mối đe dọa an ninh mà Mỹ cáo buộc. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho rằng, chính quyền Trump đang nhắm mục tiêu vào Huawei vì lý do chính trị.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/huawei-da-lam-mang-di-dong-cho-trieu-tien-3384298/