'Huấn luyện viên hàng giả' đang hủy hoại bóng đá Trung Quốc

Từng bị tai tiếng quốc gia sản xuất hàng giả số một thế giới, bóng đá Trung Quốc giờ đang gặp phải một vấn đề trớ trêu: các huấn luyện viên (HLV) hàng giả.

Khi giấc mơ hóa rồng bị hủy hoại

Dù có dân số lên tới 1 tỷ người, đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc chỉ mới một lần dự World Cup 2002. Để phát triển bóng đá, toàn bộ hệ thống chính trị - kinh tế của người Trung Quốc đã “vào cuộc”.

Nhưng gần bốn năm sau ngày ông Tập Cận Bình tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội khi chụp cùng Thủ tướng Anh David Cameroon và tiền đạo người Argentina - Sergio Aguero, giấc mộng hóa rồng của bóng đá Trung Quốc vẫn dang dở.

Năm 2017, song song với trào lưu mua sắm và đầu tư rầm rộ của các câu lạc bộ Trung Quốc, cấp dưới của ông Tập đã soạn thảo một kế hoạch vĩ đại cho bóng đá trẻ Trung Quốc. Một cuộc cách mạng đào tạo trẻ, với những trường học bóng đá khổng lồ được lên kế hoạch. Năm 2017, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) dự định mở hơn 20.000 trường và học viện dạy bóng đá, số trường này dự kiến cung cấp hơn 100.000 cầu thủ cho bóng đá nước nhà.

Tới năm 2025, con số này sẽ tăng tới gấp đôi, tức gần 50.000 trường học và 200.000 cầu thủ. Một con số khổng lồ, đủ để biến Trung Quốc trở thành công xưởng bóng đá thế giới. Có trường học, phải có giáo viên. Năm 2016, CLB Quảng Châu Hằng Đại, một trong những đội bóng hùng mạnh nhất Trung Quốc mời 24 HLV thuộc lò đào tạo trẻ của Real về Trung Quốc làm việc.

Cổ động viên bóng đá Trung Quốc. Ảnh: internet

Cổ động viên bóng đá Trung Quốc. Ảnh: internet

Nhưng không phải ai cũng có thể làm như Quảng Châu Hằng Đại. Là quốc gia sản xuất hàng nhái đứng đầu thế giới, bóng đá Trung Quốc giờ đang gặp phải chính vấn đề từ các HLV hàng nhái.

Loạn huấn luyện viên

Một huấn luyện viên (hàng xịn) không muốn lộ danh tính nói với phóng viên của AFP, rằng chính sách tuyển dụng HLV của Trung Quốc đang khiến nền bóng đá nước này rơi vào cảnh “loạn HLV“.

Tiền bạc, nhu cầu thuê HLV và chính sách chiêu dụ nhân tài của bóng đá Trung Quốc khiến nhiều HLV trên khắp thế giới đổ về đây. Có nhiều người giỏi thật sự, sở hữu những chứng chỉ hành nghề của FIFA, nhưng hàng nhái cũng xuất hiện khắp nơi.

HLV Bồ Đào Nha Mario Castro - người đang sở hữu tấm bằng B do UEFA cấp, đã làm việc ở Trung Quốc từ năm 2016, trong vai trò giám đốc kỹ thuật của HLV Shenzhen thẳng thừng tuyên bố: “Bóng đá Trung Quốc có ba vấn đề lớn: một là những HLV hàng nhái, những HLV không có chứng chỉ hành nghề, và cuối cùng những HLV không có kiến thức đến làm việc tại đây... Có rất nhiều HLV, ở các học viện hay trong các trường học - nơi học sinh học bóng đá như một môn ngoại khóa, có rất nhiều HLV nước ngoài không có bằng cấp hay chứng chỉ làm việc, miễn đến từ châu Âu”.

Những kẻ trục lợi từ bóng đá

Có nhiều quan chức và lãnh đạo địa phương góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn này. Nhiều người trong số các quan chức làm “cò”, đem về những HLV không thật sự chất lượng. Bởi lẽ, số tiền ban đầu dùng để thuê đã bị cắt đi một nửa. Những HLV giỏi sẽ không đến, thay vào đó là những “ông thầy lang băm”.

Trước khi đội tuyển quốc gia thất bại xấu hổ ở Asian Cup 2019, bóng đá trẻ Trung Quốc đã tụt hậu khá xa so với các nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Và sự có mặt của những “ông thầy lang băm”, những HLV hàng giả chính là nguyên nhân không nhỏ cho thất bại đó.

Nam Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/huan-luyen-vien-hang-gia-dang-huy-hoai-bong-da-trung-quoc-17912.html