Huấn luyện cho bộ đội nhận biết và sử dụng rau rừng

Đợt diễn tập chỉ huy 1 bên 2 cấp trên bản đồ có phần thực binh của Lữ đoàn Phòng không 283 (Quân khu 4) năm 2017, chúng tôi được thưởng thức mâm cơm do bộ đội chế biến với nhiều món rau lạ.

Qua câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên các vườn rau của đơn vị bị ngập úng. Mặt khác, để bảo đảm bí mật nhiệm vụ diễn tập nên không thể mua rau cung ứng trên thị trường. Do đó, ngoài lượng rau mang theo, các chiến sĩ nuôi quân đã lấy các loại rau rừng, như: Rau tàu bay, bắp chuối, rau sam… phục vụ bữa ăn bộ đội.

Ấn tượng với bữa cơm rau rừng đó, dịp công tác đến Tiểu đoàn 14 (Lữ đoàn Phòng không 283), tôi được Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 dẫn đi tham quan vườn rau huấn luyện của đơn vị. Anh Nam phân tích: Ngoài tổ chức tăng gia sản xuất tập trung, tăng gia gắn với bếp ăn, đơn vị duy trì vườn rau huấn luyện. Tại đây trồng các loại rau rừng có thể ăn được. Đây là mô hình để cán bộ, chiến sĩ biết được các loại rau mọc tự nhiên, phục vụ khi bộ đội dã ngoại hay trong tình huống tác chiến không bảo đảm được thực phẩm trong rừng.

Giờ huấn luyện nhận biết rau rừng ở Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4).

Còn ở các đơn vị thuộc Sư đoàn 324 (Quân khu 4), việc huấn luyện nhận biết và cách chế biến các loại rau, củ, quả rừng đã trở thành nền nếp thường xuyên. Chứng kiến giờ huấn luyện nhận biết rau rừng của Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335), chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng của các chiến sĩ trẻ. Để buổi học sinh động, giúp bộ đội dễ nắm bắt nội dung, đội ngũ cán bộ dùng máy chiếu giới thiệu tỉ mỉ đặc điểm từng loại rau, phân tích đặc điểm như thân, lá, hoa, quả, màu sắc, mùi vị để nhận biết, đồng thời chỉ rõ thời gian sinh trưởng tốt, các loại đất, địa hình cây sinh trưởng…

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, huấn luyện cho bộ đội nhận biết các loại rau rừng không phải là nội dung mới. Tuy nhiên, việc nguồn rau xanh từ tăng gia sản xuất ở các đơn vị khá dồi dào nên nội dung huấn luyện này thường chỉ được giới thiệu qua chứ ít khi đi sâu, vận dụng vào thực tiễn. Nhận thấy tầm quan trọng của nội dung này trong công tác hậu cần dã ngoại, Cục Hậu cần Quân khu 4 đã chỉ đạo xây dựng các đề cương huấn luyện về nhận biết và cách sử dụng các loại rau rừng. Nội dung huấn luyện cũng sát với từng đối tượng. Những chiến sĩ mới sẽ được cán bộ hậu cần giới thiệu các loại rau rừng có thể dùng được. Chiến sĩ năm thứ hai trở đi, khi huấn luyện dã ngoại, diễn tập sẽ được huấn luyện bổ sung và vận dụng sử dụng rau rừng vào chế biến các món ăn.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Quân nhu (Cục Hậu cần Quân khu 4), cho biết: “Địa bàn Quân khu 4 có hơn 3/4 diện tích là rừng núi. Do đó, những năm qua, bên cạnh các nội dung huấn luyện của ngành hậu cần, các đơn vị đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn cho bộ đội cách nhận biết và sử dụng các loại rau rừng. Từ đây cán bộ, chiến sĩ đã vận dụng linh hoạt chế biến thành các món ăn, nước uống, nâng cao khả năng công tác tự bảo đảm hậu cần trong huấn luyện dã ngoại và trong các tình huống tác chiến.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/huan-luyen-cho-bo-doi-nhan-biet-va-su-dung-rau-rung-545049