Hứa Thị Phấn và dàn lãnh đạo Trustbank tiếp tục hầu tòa

Sau khi có bản án sơ thẩm, bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 10 đồng phạm và 16 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án tại Trustbank có đơn kháng cáo. Ngày 22/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm.

Sáng 22/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB).

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn Cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín và nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư Phát triển Phú Mỹ) 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 17 năm tù của TAND Cấp cao Hà Nội, hình phạt bị cáo phải chấp hành 30 năm.

Liên quan đến vụ án, 27 bị cáo còn lại cũng bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 28 năm tù về hai tội danh trên. Về phần dân sự, bị cáo Phấn có trách nhiệm bồi thường cho CB số tiền hơn 16.690 tỷ đồng.

Không đồng tình với bản án, bị cáo Hứa Thị Phấn cùng 10 đồng phạm và 16 người có quyền lợi và nghĩa vụ có đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn Cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín và nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư Phát triển Phú Mỹ) tiếp tục vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Đồng thời, bị cáo Lâm Kim Thu (nguyên Phó Phòng kế toán NH Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn) và bị cáo Trần Điền Ngọc Hân (nguyên là Nhân viên kiểm ngân Chi nhánh Sài Gòn) cũng có đơn xin phép vắng mặt.

Theo cáo trạng, Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (Long An) là tiền thân của Ngân hàng Đại Tín. Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho đổi tên thành Ngân hàng Đại Tín (Trustbank).Từ tháng 6/2010, TrustBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, người đại diện pháp luật của ngân hàng là ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Sơn Nam (Tổng Giám đốc).

Đầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần của Trustbank, chiếm 84,92% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.

Lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ tại TrustBank, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank; thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban Điều hành và cán bộ, nhân viên ngân hàng tại 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang; chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu – chi tiền mặt,... bà Phấn đã chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho TrustBank trên 12.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan Điều tra, bộ Công an chỉ đề nghị truy tố Hứa Thị Phấn và đồng phạm liên quan đến 2 hành vi: Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.100 tỷ đồng và hạch toán thu - chi khống, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 6.362 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 22 - 31/10 do thẩm phán cao cấp Phan Thanh Tùng làm chủ tọa.

Tử Dao - Thiên Lôi

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/hua-thi-phan-va-dan-lanh-dao-trustbank-tiep-tuc-hau-toa--53704.htm