Hủ tục giết người vì danh dự và cái chết thương tâm của các thiếu nữ

Cái chết tàn khốc của nữ sinh 16 tuổi vừa qua đã làm chấn động người dân Indonesia. Đồng thời, giới chức nước này lo ngại rằng nạn giết người vì danh dự sẽ bị sao chép, lan rộng.

Theo báo chí địa phương, Romina Ashrafi (14 tuổi, Iran) đem lòng yêu Bahamn Khavari, người đàn ông hơn cô 20 tuổi, nhưng không nhận được sự đồng ý từ bố cô, ông Reza Ashrafi. Romina và người yêu quyết định bỏ trốn.

Gia đình Ashrafi đã nhờ đến lực lượng chức năng tìm kiếm họ và đưa con gái về nhà. Sau 5 ngày tìm kiếm, ngày 27/5, cảnh sát tìm được tung tích của Romina cùng bạn trai. Lo sợ bị bố giam giữ và trừng phạt, Romina cầu xin cảnh sát buông tha cô nhưng họ quyết đưa cô về nhà theo đúng yêu cầu của gia đình.

Ngay sau khi về nhà, Romina bị bố đánh rất nhiều. Đau lòng hơn, khi cô bé đang ngủ, người bố cầm chiếc liềm vào phòng ngủ và giết hại cô bé một cách dã man. Sau đó, Reza trên tay cầm hung khí đến sở cảnh sát tự thú với lý do “bảo vệ danh dự gia đình”.

 Romina Ashrafi trước khi bị bố sát hại. Ảnh: AP.

Romina Ashrafi trước khi bị bố sát hại. Ảnh: AP.

Giết người vì danh dự là một hiện tượng phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, nơi phụ nữ và trẻ em gái bị giết nếu họ bị xem là người đem lại sự xấu hổ cho gia đình.

Liên Hợp Quốc ước tính hàng năm khoảng 5.000 phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới là nạn nhân của các vụ giết người như trên, nhưng hiếm khi xuất hiện ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mới đây, cái chết của Rosmini, thiếu nữ 16 tuổi, đã làm rúng động đất nước Indonesia, khiến nhiều người lo sợ về hiệu ứng lan truyền của quan niệm cổ hủ và dã man này, theo South China Morning Post.

Giết người vì nghi ngờ em gái có quan hệ tình dục

Ngày 12/5, nhà chức trách Indonesia bắt giữ hai người đàn ông với cáo buộc sát hại một thiếu nữ 16 tuổi tại Bantaeng, tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia). Theo thông tin do cảnh sát công bố, nạn nhân là Rosmini, em gái của hai nghi phạm, đã chết thảm thiết do bị nghi ngờ có quan hệ tình dục trước hôn nhân với Usman, anh họ cô.

Trước đó, ngày 9/5, Rosmini cảm thấy trong người không khỏe, nôn mửa và ngất xỉu trong nhiều tuần. Thế nhưng, thay vì đưa cô bé đến bác sĩ để hỏi thăm tình hình, họ lại mang cô đến một pháp sư vì cho rằng cô bị ám.

Lúc này, Rahman (30 tuổi), anh trai lớn của Rosmini, đã buộc tội Usman vì dụ dỗ em gái anh, bắt Usman kết hôn với cô nhưng bị từ chối.

Rahman và Surianto, một người anh khác trong gia đình, liền đuổi đánh đến tận nhà riêng của Usman. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng bắt giữ trái phép một thanh niên buộc anh ta kết hôn với Rosmini, may mắn thay, sau đó người này đã trốn thoát an toàn.

Không chấp nhận được sự thật, Rahman và Surianto dùng thanh gỗ và dao rựa đánh em gái mình đến chết trước sự chứng kiến của vài thành viên khác trong gia đình.

Vụ án giết người vì danh dự đầu tiên ở Indonesia với nạn nhân là thiếu nữ 16 tuổi khiến người dân nước này vô cùng phẫn nộ.

Wawan Sumantri, cảnh sát trưởng Bantaeng, cho rằng Rosmini đã không đấu tranh vì sự sống của mình, cô đầu hàng trước sự hung hăng và gia trưởng của chính gia đình.

Cảnh sát cho biết Rosmini là một cô gái tốt, đối xử hòa nhã với mọi người và chưa từng gây rắc rối gì cho những người xung quanh. Cô bị giết vì gia đình cảm thấy xấu hổ khi họ biết rằng cô có quan hệ với người anh họ hàng xa Usman.

Andreas Harsono, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Indonesia, tin rằng cái chết của Rosmini là kỷ lục đầu tiên về việc giết người vì danh dự ở nước này. Đồng thời, ông lo ngại về hiệu ứng lan truyền của nó sẽ khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái chịu cảnh oan ức.

Những định kiến nhưng không phải ai cũng nhận ra

Theo Andreas, Indonesia đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm người Hồi giáo với hơn 700 đạo luật lấy cảm hứng từ luật Sharia, như việc bắt buộc đội khăn trùm đầu, hay áp dụng nghiêm ngặt giờ giới nghiêm dành cho phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ muốn tham gia quân đội buộc phải trải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết ở quốc gia này.

“Những người phụ nữ này dường như bị kiểm soát mọi thứ, từ tóc tai cho đến âm đạo”, ông nói.

Nhà tâm lý học Alissa Wahid, giám đốc quốc gia của Gusdurian Network Indonesia, cho rằng tình hình hiện tại rất căng thẳng. “Có thể hậu quả của chúng không phải những vụ chết chóc, tuy nhiên, nạn nhân sẽ luôn bị giày vò và không thể sống hạnh phúc suốt phần đời còn lại”, cô nói.

Trong các nghiên cứu của mình, Alissa cho biết thêm phụ nữ tại một số gia đình ở Indonesia thường bị xem là gánh nặng, mối đe dọa, nỗi ô nhục của gia đình nếu chưa kết hôn khi đã đủ tuổi hoặc chỉ vì sống đúng với cá tính của mình.

Nhiều người cho rằng các hành vi bạo lực thường xuất phát phần nhiều hơn từ các thành viên trong nhà. Khi một người tức giận, những người khác dễ dàng trở thành “tấm thớt” và hứng chịu cơn thịnh nộ.

Any Rufaedah, giảng viên tâm lý học xã hội tại Đại học Hồi giáo Indonesia Nahdlatul Ulama, nhận định rằng hiệu ứng lan truyền của hành động dã man này có thể xảy ra dù ở hiện tại khá nhiều người lên án nó.

“Mọi người có xu hướng cho rằng phụ nữ là người dựa dẫm, thậm chí không thể tự bảo vệ danh dự của chính mình. Đáng buồn thay, mọi người lại không nhận ra điều đó”, cô nói.

Trước khi gia nhập vào quân đội Indonesia, phụ nữ phải vượt qua cuộc kiểm tra trinh tiết. Ảnh: AFP.

Mẫn Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hu-tuc-giet-nguoi-vi-danh-du-va-cai-chet-thuong-tam-cua-cac-thieu-nu-post1090656.html