Hũ gạo tình thương ấm lòng dân biên giới

Trên địa bàn biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh éo le cần được hỗ trợ, đó là những người mất khả năng lao động, người già neo đơn không nơi nương tựa, sống độc thân, tàn tật và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... vì vậy, rất cần có sự chung tay, giúp sức của xã hội. Với tình cảm 'thương người như thể thương thân', 'lá lành đùm lá rách', thời gian qua, các đơn vị BĐBP Đồng Tháp đã triển khai thực hiện mô hình 'Hũ gạo tình thương', nhằm giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới, được chính quyền và nhân dân địa phương khen ngợi.

Cán bộ Đồn BP Thông Bình thăm hỏi động viên ông Nguyễn Văn Năm. Ảnh: Đức Hiệp

Đại tá Nguyễn Đình Anh, Chính ủy BĐBP Đồng Tháp cho biết: "Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã có nhiều chương trình giúp đỡ đồng bào nghèo nơi biên giới như xây dựng nhà tình thương, triển khai các mô hình kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, chăn nuôi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo nơi biên giới... Trong đó mô hình được quan tâm nhiều nhất là "Hũ gạo tình thương" nhằm giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh trên biên giới vượt qua khó khăn".

Với mô hình "Hũ gạo tình thương", trước khi nấu ăn, mỗi chiến sĩ nuôi quân ở các đơn vị bớt một phần gạo trong khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội cho vào "Hũ gạo tình thương". Cuối tháng, số gạo này sẽ được chuyển đến giúp các hộ khó khăn. Bằng cách làm này, thời gian qua, Đồn BP Thông Bình đã hỗ trợ 30 suất cho các gia đình nghèo, không nơi nương tựa, mỗi suất 20-25kg gạo.

Đồn BP Bình Thạnh hỗ trợ 26 suất cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 20kg gạo. Đồn BP Cầu Mống tặng hơn 20 suất cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 20kg gạo. Đồn BPCK quốc tế Dinh Bà ngoài việc giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, còn tặng 16 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị đã thông qua mô hình "Hũ gạo tình thương", tặng 96 suất cho các hộ nghèo trị giá gần 30 triệu đồng và gần 1 tấn gạo.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Beo, Chính trị viên Đồn BP Thông Bình cho biết: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, học tập đức tính tiết kiệm của Bác nói riêng, nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nếp sống cần kiệm.

Để đạt được kết quả tích cực đó, hằng ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ trích một phần tiêu chuẩn gạo để gây quỹ thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa trên địa bàn đơn vị quản lý. Bằng hình thức này, mỗi tháng, Đồn BP Thông Bình tiết kiệm được từ 20 đến 25kg gạo, để chuyển đến giúp đỡ ông Nguyễn Văn Năm (78 tuổi) và bà Trần Thị Mí Ba (60 tuổi), đều trú tại ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa".

Cán bộ Đồn BP Thông Bình thăm hỏi, tặng quà bà Trần Thị Mí Ba. Ảnh: Đức Hiệp

Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Năm vào một ngày cuối năm, thấy chúng tôi vào, ông Năm hồ hởi: "Từ ngày được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Thông Bình nhận giúp đỡ, mỗi khi ốm đau, tôi đều được quân y đơn vị đến thăm khám, cấp thuốc miễn phí. Hằng tháng, gia đình còn được hỗ trợ gạo, nên cuộc sống bớt đi những khó khăn về tinh thần và vật chất".

Có mặt tại nhà bà Trần Thị Mí Ba, tôi mới hiểu được hoàn cảnh hết sức đáng thương của bà. Bà bị câm điếc, sống một mình. Khi thấy cán bộ Đồn BP Thông Bình dẫn chúng tôi đến thăm, bà Ba xúc động lắm, nước mắt bà cứ giàn giụa. Thấy chúng tôi phân vân, một người hàng xóm sát nhà bà có mặt giải thích cử chỉ mà bà Ba muốn thổ lộ: "Tôi xúc động lắm, tôi cảm ơn BĐBP đã giúp đỡ tôi có bát cơm ăn, có thuốc uống mỗi khi ốm đau. Có BĐBP, tôi không còn đơn độc nữa".

Trên đường trở về Đồn BP Thông Bình, tôi mang theo bao nỗi niềm. Gặp chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Thế Duy đang đong gạo nấu cơm, lấy bát xúc ít gạo đổ vào hũ, tôi hỏi: "Đồng chí bớt nhiều vậy, liệu anh em có đói không?". Duy nhanh miệng: "Lá lành đùm lá rách mà anh. Mỗi lần bớt chút gạo cho vào hũ tiết kiệm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, không riêng gì tôi mà tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều cảm thấy rất vui. Ai cũng nhận thức sâu sắc rằng, đơn vị đã làm được một việc tốt để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh éo le và tôi nghĩ đó là niềm hạnh phúc".

Rời Thông Bình, trở lại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tôi đem câu chuyện "Hũ gạo tình thương" ở các đơn vị trò chuyện với Đại tá Nguyễn Đình Anh. Là người chỉ đạo thực hiện mô hình này nên Chính ủy BĐBP tỉnh đã nắm rất chắc từng đơn vị cho đến từng đối tượng. Trong câu chuyện, Đại tá Nguyễn Đình Anh chia sẻ thêm: "Địa bàn biên giới còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm, mong rằng các nhà hảo tâm sẽ luôn đồng hành với BĐBP, chung tay, góp sức, giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương như vậy".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm, hơn 4 tấn gạo được tiết kiệm từ những "Hũ gạo tình thương" của các đơn vị BĐBP Đồng Tháp, số gạo tuy không lớn, nhưng đã giúp đỡ được gần 200 hộ nghèo trên địa bàn đóng quân, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Chính việc làm mang đậm tính nhân văn cao cả của BĐBP Đồng Tháp, đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về tình quân - dân cá nước.

Đức Hiệp

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hu-gao-tinh-thuong-am-long-dan-bien-gioi/