HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng: Phát huy vai trò 'bà đỡ' của nông dân

Nhờ tích cực thi đua đổi mới, sáng tạo, có phương án hoạt động hiệu quả nên HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) luôn duy trì hoạt động sản xuất, đạt hiệu quả cao; đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh; làm tốt vai trò 'bà đỡ' cho người dân tại địa phương trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản…

Mô hình trồng dưa lưới của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Trong những năm đầu thành lập 1996, HTX DVNN Thiệu Hưng chủ yếu cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, nhưng còn nhỏ lẻ, thu nhập của các xã viên thấp, không ổn định. Năm 2015, HTX DVNN Thiệu Hưng chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, với 186 thành viên. Trong suốt quá trình hoạt động, Ban giám đốc luôn trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển HTX. Anh Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX, cho biết: Ngay sau Đại hội thành viên nhiệm kỳ 2015 - 2020, HTX đã xác định, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động thì phải đa dạng hóa loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất. Phát triển theo hướng đó, hiện tại, HTX có 5 dịch vụ định mức và 4 dịch vụ cạnh tranh, như: Dịch vụ thủy lợi phí, dịch vụ nội đồng, dịch vụ điện, dịch vụ cung ứng giống,…Cũng theo anh Dương: Mỗi mùa vụ, HTX đã chủ động bơm nước, nạo vét mương, dẫn nước đến tận các thửa ruộng và bảo vệ hoa màu cho người dân. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, HTX đã xây dựng 8 trạm biến áp với công xuất 3.600 KVA, toàn bộ hệ thống đường trung áp và đường dây 0.4, lắp và xây mới 10 cống dẫn nước qua đường và một số tuyến mương;… Chủ động liên kết với các viện nghiên cứu, Công ty CP giống cây trồng Trung ương cung ứng cho người dân hơn 2,4 tấn giống lúa lai, hơn 3 tấn giống lúa thuần,…Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Thiệu Hóa xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa, rau màu. Bằng sự nhạy bén của Ban lãnh đạo, cùng sự năng động của các thành viên, HTX DVNN Thiệu Hưng ngày càng khẳng định được vai trò, không những mang lại lợi nhuận cho HTX, mà còn phục vụ tốt hơn nhu cầu của các xã viên.

Vốn là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu, song đứng trước thực trạng sản xuất nông nghiệp truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu tính cạnh tranh,... HTX DVNN Thiệu Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ sản xuất đất hai vụ lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng rau màu; khuyến khích và hỗ trợ các xã từng bước ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, như: Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương,… Đến nay, đã có 16,5 ha rau màu được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mang lại doanh thu từ 380 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Nét nổi bật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của HTX thời gian qua đó là phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm dưa Kim hoàng hậu. Đến nay, trên địa bàn Thị trấn Thiệu Hóa đã xây dựng được 25.000m2 nhà màng, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/ha/năm. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình sản xuất dưa công nghệ cao, HTX đã và đang vận động các xã viên mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới để đầu tư sản xuất các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, như: Dưa Kim cô nương, cà chua, dưa chuột Baby...Ngoài việc hỗ trợ người dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, HTX còn tham mưu cho UBND thị trấn Thiệu Hóa mở gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn; đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm trên hệ thống phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa... nhằm hỗ trợ người sản xuất trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong công tác quản lý, HTX thực hiện đúng các quy định của Luật HTX năm 2012; đồng thời, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, bố trí đúng người đúng việc, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của từng bộ phận.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX DVNN Thiệu Hưng, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Với việc lựa chọn hướng đi phù hợp ngay từ khi mới thành lập, HTX DVNN Thiệu Hưng đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền với người dân trong việc định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, trở thành “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển thông qua việc tổ chức hướng dẫn cho xã viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất chất lượng cao, tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá, mở ra hướng đi mới, bền vững của sản xuất nông nghiệp địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và hình thành tư duy sản xuất mới cho các xã viên HTX và cho người dân địa phương.

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của HTX, sự giúp đỡ của các ban, ngành và sự ủng hộ của người dân, tin rằng HTX DVNN Thiệu Hưng sẽ tiếp tục phát triển và là người bạn đồng hành của người dân trong phong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dai-hoi-thi-dua/htx-dich-vu-nong-nghiep-thieu-hung-phat-huy-vai-tro-ba-do-cua-nong-dan/123548.htm