Phổ biến và thực thi pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô dôn

Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo 'Phổ biến quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn'.

Hội thảo nhằm cập nhật các quy định quản lý mới được ban hành, tập trung vào các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Kim Liên cho hay, là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Các chất được kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC, HFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong hoạt động kiểm soát và báo cáo lượng tiêu thụ quốc gia các chất được kiểm soát. Ngày 20/2/2020, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ký kết Biên bản hợp tác giữa hai cơ quan về trao đổi thông tin và tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ở Việt Nam.

Phổ biến quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô dôn. Ảnh: TL

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Vũ Quang Toàn cho rằng, cơ quan Hải quan là một mắt xích quan trọng trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô dôn tại biên giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu), từ năm 2013 trong việc quản lý các chất HCFC, đặc biệt là việc kiểm soát xuất - nhập khẩu, ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC, đáp ứng nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành Nghị định thư Montreal, trong khuôn khổ Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 1 đã có gần 600 cán bộ hải quan được tập huấn về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC, nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC và bảo vệ tầng ô-dôn.

Tại hội thảo, bên cạnh việc phổ biến các quy định pháp luật mới được ban hành về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, các đại biểu còn được nghe các bài tham luận về thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát nói riêng theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ; kinh nghiệm áp dụng, thực hiện mã HS của các nước ASEAN và sự cần thiết về xây dựng, kết nối hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để quản lý các chất được kiểm soát.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/pho-bien-va-thuc-thi-phap-luat-ve-giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-bao-ve-tang-o-don-104727.html