HSG: Tăng trưởng mạnh sau hành trình tái cơ cấu

Cổ phiếu thép vẫn đang là tâm điểm của thị trường hiện tại, khi tốc độ tăng giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù hưởng lợi chung từ cơn sốt giá thép toàn cầu, nhưng mức độ triển vọng của giá cổ phiếu còn phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại doanh nghiệp...

So sánh mức biến động giá của một số cổ phiếu thép tiêu biểu với chỉ số VN-Index từ đầu năm 2020 đến nay.

Mức tăng giá cực mạnh của nhóm cổ phiếu thép đang diễn ra nhìn chung là tương đồng theo xu hướng, nhưng cường độ lại khác biệt. Không phải tất cả các cổ phiếu thép đều tăng trưởng như nhau. Trong ngắn hạn, việc đầu cơ cổ phiếu thép có thể chỉ đơn thuần là bám theo trào lưu chung, nhưng thực tế câu chuyện dài hạn còn gắn liền với những yếu tố cơ bản quan trọng khác.

Hơn 3 năm trước, câu chuyện nợ vẫn là vấn đề lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG). Từ chỗ phải co kéo thanh khoản, chịu áp lực lớn từ lãi vay, Hoa Sen sau quá trình tái cơ cấu đã đạt được những tiến bộ lớn về năng lực tài chính. Năm 2020, Hoa Sen đã giải quyết được 2 bài toán lớn để trở thành điểm sáng tăng trưởng bất chấp thị trường khó khăn. Thứ nhất, doanh nghiệp này đã mạnh tay tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi hàng loạt chi nhánh thành cửa hàng theo mô hình chi nhánh tỉnh, nhờ đó bộ máy được tinh gọn, giảm chi phí quản lý đáng kể.

Ngoài ra, việc quản lý hiệu quả tất cả các loại tài sản hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn và các tài sản ngắn hạn khác đã tạo điều kiện để giảm dư nợ vay ngân hàng, từ đó tiết giảm chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay.

Những thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh, từ tái cơ cấu đến quản lý hiệu quả chi phí giúp lợi nhuận gộp của Hoa Sen tăng mạnh. Điều này thể hiện rõ ngay trong quý 2 niên độ tài chính 2018-2019, lợi nhuận gộp bứt tốc cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ lợi nhuận gộp biên, các khoản nợ vay ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động giảm mạnh.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoa Sen cũng giảm mạnh so với trước đây nhờ vào việc vận hành thành công hệ thống ERP trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung, kể từ sau quyết định tái cấu trúc, Hoa Sen duy trì được tốt độ tăng trưởng liên tục khá ấn tượng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép bình quân theo quý (CAGR theo quý) của doanh thu là 5,8%/quý và của lợi nhuận gộp là 12,1%/quý.

Lợi nhuận sau thuế tăng liên tục trong 6 quý liên tiếp, từ 1/10/2019 đến 31/3/2021. Nhờ vậy, hệ số EPS trượt của 4 quý gần nhất đạt mức 5.485 đồng/cổ phiếu và hệ số ROE trượt của 4 quý gần nhất lên tới 35%, tỷ lệ nợ vay ngân hàng trên vốn chủ sở hữu chỉ còn 0,8 lần. Thêm vào đó, chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home cũng được kỳ vọng đưa doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.

HSG đang được hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào HRC tăng cao; nhu cầu thép thế giới dự báo vẫn cao khi các quốc gia phục hồi sản xuất sau Covid-19 và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; căng thẳng Trung Quốc - Úc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nguồn cung quặng sắt hạn chế.

Tuy nhiên, chính nội tại chuyển biến tốt mới là yếu tố then chốt khiến Hoa Sen lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Thị trường đánh giá cổ phiếu của doanh nghiệp không chỉ là với những lợi thế ngắn hạn hay mang tính thời vụ.

Việc hưởng lợi từ giá thép tăng thì cả ngành sản xuất thép đều được hưởng, nhưng tốc độ tăng giá mỗi mã là khác nhau, tức mức tăng còn phụ thuộc vào nội tại mỗi doanh nghiệp. Hiện tốc độ tăng trưởng thị giá của HSG đang cao nhất ngành. Không chỉ vậy, thị giá tăng tới gần 10 lần từ đáy nhưng nhờ các chỉ số tài chính tốt nên định giá cơ bản không quá đắt.

Tại ngày 2/6/2021, giá cổ phiếu HSG là 43.300 đồng/cổ phiếu, với hệ số EPS trượt của 4 quý gần nhất đạt mức 5.485 đồng/cổ phiếu thì hệ số PE của HSG vẫn chỉ khoảng 7,9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành thép và cũng thấp hơn so với trung bình toàn thị trường.

Mặt khác, trước kia, cổ phiếu HSG vốn mang nặng tính đầu cơ với rất nhiều sóng tăng, sóng giảm đan xen cùng mức độ dao động lớn, thậm chí rất lớn. Song từ khi tái cơ cấu, HSG tăng giá liên tục và luôn nằm trong nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất sàn HOSE. Tín hiệu này cho thấy, HSG không chỉ có sức hút với nhà đầu cơ, mà các nhà đầu tư quan tâm đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp cũng bắt đầu để ý đến Hoa Sen.

Bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF với WACC là 14,65%, Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra dự phóng giá cổ phiếu HSG có thể lên tới 50.242 đồng/cổ phiếu và nhận định “HSG tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn”.

Mới đây, Hoa Sen công bố ước kết quả kinh doanh tháng 4/2021 với sản lượng tiêu thụ ước đạt 216.390 tấn; doanh thu ước đạt 4.550 tỷ đồng, tăng trưởng 104% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ước đạt 538 tỷ đồng, tăng trưởng 498% so với cùng kỳ.

7 tháng niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/4/2021) sản lượng tiêu thụ doanh nghiệp ước đạt 1.295.119 tấn, hoàn thành 72% kế hoạch; doanh thu ước đạt 24.496 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.208 tỷ đồng, tăng trưởng 368% so với cùng kỳ, hoàn thành 147% kế hoạch. Như vậy, chỉ sau 07 tháng lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen đã đạt gần gấp đôi so với lợi nhuận sau thuế của cả niên độ trước.

Thu Hà -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hsg-gia-co-phieu-vuot-tren-con-sot-gia-thep.htm