HSG của ông Lê Phước Vũ tăng điểm nhờ cú 'bắt tay' Formosa đối đầu tỷ phú Trần Đình Long?

Cổ phiếu HSG phiên giao dịch cuối tuần bất ngờ tăng mạnh, thậm chí có những lúc tăng trần, giúp đại gia Lê Phước Vũ 'đút túi' gần 13 tỷ đồng. Động lực HSG tăng điểm là sau khi Tập đoàn Hoa Sen công bố chủ trương tái cấu trúc và bắt tay với Formosa đối đầu với Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long.

Lội ngược dòng tăng điểm, đại gia Lê Phước Vũ “bỏ túi” 13 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 26.10, cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ lội ngược dòng và tăng mạnh bất chấp đà giảm của thị trường. Trong phiên sáng, HSG có lúc đã tăng trần lên tới 10.350 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26.10, cổ phiếu của đại gia Lê Phước Vũ tăng 300 đồng lên 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng tới 3,1% giá trị.

Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Tập đoàn Hoa Sen công bố chủ trương tái cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối. Lý do được Tập đoàn Hoa Sen đưa ra là muốn đẩy mạnh kênh phân phối, tăng sản lượng tiêu thụ trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Thêm vào đó, công ty này còn cung cấp thông tin rằng sản lượng của mình đã tăng lên gần 2 triệu tấn/năm và muốn gia tăng hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Diễn biến giá cổ phiếu HSG

Với khoảng 41,6 triệu cổ phiếu HSG đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen bất ngờ bỏ túi ngay gần 13 tỷ đồng trong ngày giao dịch không mấy tốt đẹp đối với nhiều nhà đầu tư.

Từ một doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôn” với thị phần áp đảo, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đang phải "ngụp lặn" với khối nợ khổng lồ chiếm đến 78% cơ cấu nguồn vốn.

Trong các báo cáo gần đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra những đánh giá không mấy tích cực về HSG. Theo đó, kết quả lợi nhuận thấp và tình hình tài chính kém ảnh hưởng tới triển vọng của doanh nghiệp này.

Biên lợi nhuận thấp kỷ lục và tiếp tục giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận và mức tăng sản lượng. Lợi nhuận của HSG được dự báo không có dấu hiệu hồi phục dù sản lượng tăng lên. VCI cũng dự báo lợi nhuận 2018 của HSG sẽ giảm tốc.

Lợi nhuận hiện tại của HSG đã xuống mức thấp 4 năm. Khối nợ lớn và sự cạnh tranh tăng lên khiến lợi nhuận tương lai của HSG được dự báo khó lòng hồi phục.

Tài sản và tổng nợ Hoa Sen giai đoạn 2016-quý II.2018 (Đvt: Tỷ đồng)

Trong đó, chi phí nguyên vật liệu là một trong những vấn đề được quan tâm không chỉ riêng tại Tập đoàn Hoa Sen mà nhiều đơn vị khác trong ngành. Khi mà, mặc dù giá bán trung bình tăng 16-19%, nhưng mức tăng giá bán chưa thể bù đắp cho mức tăng 32% của nguyên liệu đầu vào - chính là thép cán nóng HRC.

Riêng với Hoa Sen, là một doanh nghiệp hạ nguồn của chuỗi giá trị ngành thép, HRC đang là nguyên liệu đầu vào chính cho dây chuyền sản xuất tôn và ống thép, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của Tập đoàn.

Ghi nhận 9 tháng đầu năm 2018, giá HRC nhập khẩu tăng mạnh 16%, kéo theo nhuận ròng Hoa Sen giảm mạnh 55%, xuống còn 512 tỷ đồng.

Bắt tay Formosa, Hoa Sen đối đầu Hòa Phát

Trong một diễn biến khác, mới đây Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đã chính thức ký kết thỏa thuận mua bán thép cuộn cán nóng (HRC) từ khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Cái bắt tay này được xem là lời giải cho bài toán cả hai bên. Trước hết Hoa Sen, HRC mua từ Formosa sẽ có giá tốt hơn nhập khẩu. Bài toán về chi phí HRC được kỳ vọng sẽ được giải quyết nhờ sự hợp tác này.

Hơn nữa, việc tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa còn giúp Tập đoàn này hạn chế tác động tiêu cực của biến động tỷ giá, bên cạnh ưu điểm về thời gian giao hàng, thuế phí…Việc ký kết mua HRC với Formosa Hà Tĩnh giúp Hoa Sen tạm thời giảm áp lực nhập khẩu một phần và giữ thị trường nội địa ổn định. Đây còn là sự chuẩn bị cho một sự cạnh tranh gay gắt với Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long.

Dự án Formosa

Về phía Formosa, đơn vị này cũng sẽ giải quyết được đầu ra cho dự án trị giá gần 13 tỷ USD thông qua giao thương với Hoa Sen, một đơn vị đang nắm giữ đến 34% thị phần tôn và 18% thị phần thép Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực dành cho vị Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ không hề nhỏ. Tính đến cuối quý III.2018, lượng hàng tồn kho tuy có giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn ở mức khá cao 8.337 tỉ đồng. Tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng công suất và mạng lưới phân phối nên tổng nợ vay của Tập đoàn tăng mạnh 34% lên 15.879 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức khá cao: 2,96 lần.

Vì vậy, hợp tác với Formosa là một bước đi đúng hướng ban đầu, nhưng vẫn còn đó một số nghi ngại về triển vọng của Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ trong thời gian tới, nhất là Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là một đối thủ nặng ký.

Lê Thúy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/hsg-cua-ong-le-phuoc-vu-tang-diem-nho-cu-bat-tay-formosa-doi-dau-ty-phu-tran-dinh-long-924995.html