HSC tham vọng lãi 1.200 tỷ đồng, cựu phó Chủ tịch HNX ứng cử vào HĐQT

Lần đầu tiên công ty chứng khoán lớn này đặt ra mục tiêu lãi trên nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I cũng đã hoàn thành 1/3 mục tiêu.

HĐQT HSC nhiệm kỳ mới thay mới quá nửa: không còn ông Đỗ Việt Hùng, thêm cựu phó Chủ tịch HNX

Hôm nay, 22/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC, mã HCM –HoSE) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 với nhiều nội dung quan trọng.

Do là năm đầu của nhiệm kỳ mới, cuộc họp tới cũng là lúc đại hội đồng cổ đông HSC sẽ bầu ra hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2021-2026. Danh sách ứng cử viên gồm 7 người cũng bằng đúng số lượng thành viên HĐQT dự kiến của công ty chứng khoán này.

Ở độ tuổi 67, ông Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch HĐQT của HSC từ năm 2011 đến nay, không còn tham gia ứng cử nhiệm kỳ này. Ông Việt là người đã đảm nhận vị trí giám đốc HSC từ những ngày đầu thành lập năm 2003 và sau đó đảm nhận vai trò phó chủ tịch HĐQT trong năm 2006 trước khi chính thức đảm nhận chiếc ghế chủ tịch.

Chỉ ba nhân sự cũ trong HĐQT nhiệm kỳ trước còn ứng cử, trong đó ông Johan Nyvenne là người từng giữ chức CEO của HSC từ năm 2007 đến tháng 2/2020 và sau đó tiếp tục được bầu vào HĐQT trong năm 2020 tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ này. Ông Lê Hoàng Anh, ông Lê Anh Minh là hai cá nhân đều đến từ Dragon Capital – cổ đông lớn nhất đang sở hữu 30,05% vốn.

Trong bốn ứng cử viên còn lại, ông Trần Quốc Tú và ông Nguyễn Hồng Văn là hai nhân sự đang công tác tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) – cổ đông sáng lập đồng thời vẫn đang nắm giữ 23,92% vốn HSC.

Hai nhân sự khác là những cái tên không mấy xa lạ tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Ứng cử viên nữ duy nhất là bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – người từng đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Bà Hoàng Lan đã nghỉ hưu tại cơ quan này từ năm 2019.

Còn lại, ông Andrew Colin Vallis là người từng đại diện cho Ngân hàng Standard Chartered tham gia vào HĐQT của Ngân hàng Á Châu (ACB), trong đó có thời gian đảm nhận đến vị trí phó chủ tịch HĐQT điều hành. Tuy nhiên, ông đã thôi vai trò tại ACB và Standard Chartered từ năm 2017 và hiện công tác tại chi nhánh TP HCM của Blue HK Investments từ Hồng Kông. Quỹ tài chính này đã đầu tư vào Beta Media, do đó ông Andrew Vallis cũng đang giữ vai trò thành viên HĐQT của chuỗi rạp chiếu phim Beta.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan là một trong 7 ứng cử viên vào HĐQT HSC

Sang “ở nhờ” HNX, giảm room ngoại về 49% sau 4 năm nới

Ngoài việc có thể đón một nhân sự HĐQT từng giữ vai trò lớn tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu HCM của HSC thời gian tới có thể cũng chuyển giao dịch từ HoSE sang HNX để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh. Trước HSC, đã có ba công ty chứng khoán khác cũng đều nằm trong top đầu ngành đã được phê duyệt việc chuyển giao dịch gồm VNDirect, BSC và FPTS.

Theo Chủ tịch HĐQT Đỗ Hùng Việt, hiện tượng bị quá tải dẫn đến bị nghẽn lệnh, dừng hoạt động làm ảnh hưởng đến việc giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung cũng như cổ đông của HSC nói riêng. Động thái trên nhằm bảo vệ quyền lợi cho cổ đông và nhà đầu tư HSC trong thời gian chờ HoSE hoàn thiện hệ thống công nghệ mới.

Cũng theo giải trình của Chủ tịch HSC, hoạt động kinh doanh của công ty đã và đang chịu ảnh hưởng do không đẩy được lệnh của khách hàng vào hệ thống giao dịch của HSX và hạn chế trong hoạt động tự doanh, phát hành chứng quyền, phòng ngừa rủi ro (hedging) đối với danh mục đầu tư của HSC.

Tuy vậy, với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm trước, các công ty chứng khoán nói chung và HSC nói riêng đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. HSC đạt mức lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm trước. Theo tờ trình HĐQT gửi tới các cổ đông, mức cổ tức năm 2020 là 12%, bằng mức dự kiến tại cuộc họp năm trước. Tạm tính theo tỷ lệ này, lợi nhuận giữ lại của HSC sau khi phân phối còn 434,4 tỷ đồng.

Năm 2021, HSC đặt ra một bản kế hoạch kinh doanh tham vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 68% và 82%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2021 là 1.203 tỷ đồng, trong khi HSC chưa từng đạt được mức lãi nghìn tỷ trong các năm trước đây. Kế hoạch này dựa trên giả định về tình hình thanh khoản thị trường với giá trị giao dịch bình quân ngày trên thị trường cơ sở đạt 15.133 tỷ đồng. Cơ sở thứ hai đến từ thực tế giao dịch quý I khi giá trị giao dịch bình quân ngày theo dự tính của HSC tăng lên tới 18.975 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý đầu năm theo báo cáo tài chính vừa công bố của công ty chứng khoán này vọt lên 401,7 tỷ đồng, gấp 3,18 lần cùng kỳ và đã hoàn thành 1/3 mục tiêu.

Thứ ba, kế hoạch kinh doanh cao còn là một lý do thuyết phục cổ đông tham gia vào phương án phát hành 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%.

Tờ trình tăng vốn đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông. Phương án đã được phê duyệt nhưng tỷ lệ tán thành cũng hết sức súy soát, chỉ đạt 52%. Theo lộ trình dự kiến, HSC phân phối quyền mua cho cổ đông hiện hữu vào quý II/2021. Việc lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành dự kiến vào Quý III.

Theo kế hoạch này, doanh thu từ phí môi giới của HSC đặt mục tiêu đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2020. Trong đó, khách hàng cá nhân đặt mục tiêu đạt 700 tỷ đồng phí môi giới (tương đương thị phần cổ phiếu khoảng 6% tổng khối nội và thị phần phái sinh đạt mức 12% toàn thị trường). Khối Khách hàng tổ chức đặt mục tiêu giữ mức thị phần 23% trong tổng khối ngoại toàn thị trường.

Lãi từ cho vay đặt mục tiêu tăng trưởng 77%, tận dụng lợi thế đối với hoạt động cho vay ký quỹ ở phân khúc khách hàng lớn với dư nợ cho vay ký quỹ cao. Doanh thu lãi từ tự doanh năm 2021 dự kiến đạt 565 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020. Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 80 tỷ đồng doanh thu, tăng 2 lần so với năm 2020 dựa trên những thương vụ đang thực hiện và dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Cũng trong kỳ đại hội này, HSC trình cổ đông việc giảm room ngoại trở lại mức 49%. Việc điều chỉnh này xuất phát từ lo ngại HSC có khả năng sẽ trở thành công ty chứng khoán nước ngoài. “Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính của HSC”, Chủ tịch công ty nêu. Cụ thể, nếu tỷ lệ này vượt 50%, HSC sẽ không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Với nghiệp vụ tự doanh, HSC phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Đối với khoản đầu tư chưa thực hiện: Việc đầu tư của HSC sẽ bị hạn chế khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Cùng đó, dẫn ra số liệu lịch sử trong gần 4 năm qua kể từ khi là một trong những công ty đầu tiên tiên phong mở room ngoại lên 100%, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu HCM của nhà đầu tư nước ngoài xoay quanh tỷ lệ 49% - 51%. Mục tiêu tăng tính thanh khoản trong giao dịch, cải thiện khả năng huy động vốn và thay đổi cơ cấu cổ đông chưa đạt được thành quả rõ rệt.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hsc-tham-vong-lai-1200-ty-dong-cuu-pho-chu-tich-hnx-ung-cu-vao-hdqt-d141480.html