HSC: PVD khả quan nhờ giá dầu hồi phục, dự báo lãi 65 tỷ năm 2018

HSC đánh giá trong dài hạn triển vọng của PVD là khả quan nhờ giá dầu phục hồi mạnh và hoạt động cung cấp giàn khoan tự nâng tại Việt Nam dự báo sẽ sôi động trở lại.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) vừa có báo cáo đánh giá triển vọng Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD).

Năm 2018, PVD đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng (giảm 23%) và không lỗ. Trong quý I, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tiếp tục âm 239,3 tỷ đồng. Mục tiêu tránh lỗ trong năm nay đã gặp phải một khởi đầu khó khăn.

Thế nhưng, HSC dự báo doanh thu năm 2018 của PVD đạt 5.348 tỷ đồng (tăng trưởng 37,4%) và lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 64,8 tỷ đồng (tăng trưởng 55,1%).

Dự báo này dựa trên giả định giá dầu WTI bình quân là 62,5 USD/thùng (tăng 23%). Mảng dịch vụ khoan đạt doanh thu 1.968 tỷ đồng (tăng trưởng 11,7%), đóng góp 37% tổng doanh thu. Lỗ gộp của mảng này dự báo 117 tỷ đồng. Giá thuê ngày bình quân dự báo là 58.000 USD và tỷ lệ sử dụng công suất giàn khoan tự nâng dự báo đạt 90% (năm 2017 là 84,5%).

Dư nợ hiện tại của PVD vẫn ở mức rất cao 4.281 tỷ đồng (giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ), chủ yếu do công ty vay vốn tài trợ cho chi phí xây dựng giàn khoan PVD V và PVD VI. Trong năm 2018, khoảng 1.300 tỷ đồng nợ dài hạn của công ty sẽ đáo hạn, tuy nhiên được biết công ty đang yêu cầu ngân hàng hoãn thời hạn trả gốc vay thêm một vài tháng nữa. HSC tin rằng yêu cầu của PVD sẽ được chấp thuận nhờ công ty vẫn hoàn trả các khoản vay trong nhiều năm qua.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của PVD đến cuối quý I là 58,8% và hệ số chi trả lãi vay hiện là -1,02 lần do công ty lỗ trước thuế và lãi vay 44,6 tỷ đồng trong khi đó chi phí lãi vay trong quý là 43,8 tỷ đồng. HSC cho rằng PVD sẽ gặp khó khăn để trả lãi vay trong năm 2018, tuy nhiên tình trạng này sẽ không kéo dài sang năm 2019 nhờ nhu cầu dịch vụ khoan sẽ tăng mạnh trở lại theo xu hướng tăng của giá dầu.

HSC tin rằng trong trung đến dài hạn triển vọng tăng trưởng của PVD rất khả quan, mặc dù mất 1-2 năm nữa để lợi nhuận phục hồi. Nguyên nhân chính là cần thời gian nhất định để nhu cầu khoan ngoài khơi phục hồi theo giá dầu. Xu hướng này sẽ được đẩy mạnh nhờ giá dầu tăng nhanh, kéo theo sự gia tăng của các hoạt động E&P tại Việt Nam trong năm nay hoặc muộn nhất năm sau. Mức đầu tư của PetroVietnam cho các hoạt động ngoài khơi dự kiến sẽ tăng khoảng 40% hàng năm trong giai đoạn 2017-2020 (trong giai đoạn 2012-2017 tốc độ tăng trưởng là -16%).

Về kế hoạch thâm nhập thị trường dịch vụ khoan ở nước ngoài, PVD sẽ tiếp nối những thành công trong năm 2017. Hiện tại, chỉ 1 trong số 4 giàn khoan tự nâng của PVD là đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ năm 2017, giàn khoan PVD I đã hoạt động tại Thái Lan và dự kiến hợp đồng khoan sẽ kết thúc vào tháng 3 năm nay. Trong khi đó, giàn khoan PVD III và PVD VI đều đang có hợp đồng tại Malaysia.

Ngoài ra, các giàn khoan của PVD có độ tuổi còn trẻ (so với mức bình quân trên thế giới là 20 năm tuổi) và uy tín về hoạt động an toàn (11 năm chưa xảy ra sự cố). PVD có thể cạnh tranh với các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoan ngoài khơi trong khu vực và tiếp tục giành thêm các hợp đồng khoan mới nếu công ty sẵn sàng duy trì hoạt động dưới giá vốn và chờ (1) giá cho thuê giàn khoan trong khu vực vượt mức hòa vốn và/hoặc (2) nhu cầu khoan ngoài khơi phục hồi.

Khổng Chiêm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hsc-pvd-kha-quan-nho-gia-dau-hoi-phuc-du-bao-lai-65-ty-nam-2018-20180509033121144p4c147.news