HSBC: Tia hy vọng mới của kinh tế thế giới sau TPP

“Hiệp định TPP đã là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu. Tuy nhiên không hẳn tất cả niềm hy vọng đều tắt”, HSBC nhận định.

TPP sẽ không có nhiều cơ hội được thông qua

Báo cáo mới nhất của HSBC cho biết, sẽ có rất nhiều ẩn số sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ.

“Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ không có nhiều cơ hội được thông qua và Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia bảo hộ các nền công nghiệp trong nước. Điều này rất quan trọng đối với các nước châu Á”, HSBC nhận định.

Nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á đã là thành viên của Hiệp định TPP như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Úc, New Zealand và Việt Nam trong khi các nước khác cũng khao khát mong muốn được tham gia. Đa số các tài liệu đều chắc chắn cho rằng TPP đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực – nhiều hơn cả cho Việt Nam - và việc thực thi Hiệp định TPP sẽ loại bỏ những khó khăn về chính trị nhưng mang lại những cải cách lợi ích kinh tế.

“Hiệp định TPP đã là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu. Tuy nhiên không hẳn tất cả niềm hy vọng đều tắt”, HSBC nhận định.

HSBC cho rằng các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) đang diễn ra và vòng đàm phán thứ 15 đã kết thúc vào tháng trước. Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước trong nhóm ASEAN-10, cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – những nước mà ASEAN đã ký kết kết hiệp định thương mại tự do. Như là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên toàn châu Á, RCEP tự hào công bố một danh sách các số liệu ấn tượng, ví dụ như các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và khoảng 30% GDP toàn cầu.

HSBC cho biết, Hiệp định RCEP không tập trung vào một vài mục tiêu cao cả như TPP không có nghĩa là RCEP không chứa nhiều tham vọng. Ví dụ, đây là lần đầu tiên một hiệp định thương mại như RCEP kết nối hai quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ, và cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Kể từ khi ASEAN thực hiện các vòng đàm phán khác nhau với các đối tác FTA, hầu hết những trục trặc đối với Hiệp định RCEP là phải thực hiện những mối quan hệ kinh doanh mới này.

Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa Hiệp định TPP và RCEP là việc Trung Quốc có tham gia vào RCEP (trong khi đó lại không có Mỹ, cùng với tất cả các nền kinh tế khác không thuộc châu Á). Nếu việc cắt giảm thuế quan có thể được giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cả ba nước này đều thuộc sáu đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Hiệp định RCEP có thể đưa các nhà xuất khẩu Mỹ vào thế bất lợi nếu như TPP không được thông qua.

Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP, HSBC cho hay. Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên. Mặc dù từ Hiệp định RCEP sẽ có một sự thúc đẩy tiềm năng cho sản lượng (mà chưa phải hiệp định đã hoàn tất việc ký kết), cũng cần lưu ý rằng Việt Nam cũng thua thiệt nhiều nhất từ việc TPP không được thông qua.

Tổng Giám đốc HSBC: Đừng quá tập trung vào TPP

Liên quan đến việc TPP khó có khả năng thông qua ở thời Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam có đưa ra nhận định “chúng ta hiện nay có thể đang dồn quá nhiều tập trung vào khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP không được thông qua mà quên rằng đàm phán của các hiệp định tự do thương mại khác vẫn đang tiếp diễn”.

Theo ông, một trong những đàm phán quan trọng có thể kể đến là FTAAP - Khu vực tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương, một sáng kiến do APEC khởi xướng cách đây 20 năm, kết nối 21 nền kinh tế trên thế giới bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. FTAAP bao phủ 60% GDP toàn thế giới và 50% giá trị thương mại toàn cầu. Văn kiện thống nhất của FTAAP đã được hoàn tất và chương cuối của FTAAP đang được gấp rút thực hiện.

Ông chỉ ra một hiệp định thương mại khác với quy mô nhỏ hơn tập trung vào châu Á có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này kết nối ba nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á), tạo ra khu vực tự do thương mại giữa 16 nền kinh tế châu Á và đóng góp khoảng 22.400 tỉ đô la Mỹ GDP và 10.000 tỉ đô la Mỹ giá trị thương mại thế giới. Hiệp định này đặc biệt sẽ có lợi cho khối các nước Đông Nam Á do nó sẽ giảm thiểu những bất cập giữa các hiệp định tự do thương mại trước đó, từ đó đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của khu vực này.

“Tôi tin rằng Tổng thống mới của nước Mỹ có trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như việc làm cho người dân, và chúng tôi tại HSBC tin rằng tự do thương mại được đặt trên nền móng các nguyên tắc vững chắc sẽ mang đến sự thịnh vượng. Cho dù có hay không có TPP, nước Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái tiếp theo, đồng thời cần giữ vững tinh thần tiến lên phía trước để tận dụng mọi lợi thế có được từ các hiệp định thương mại đang trong vòng đàm phán”, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam khẳng định.

Theo lãnh đạo HSBC, việc chúng ta cần làm song song là xây dựng một thị trường nội địa vững mạnh.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hsbc-tia-hy-vong-moi-cua-kinh-te-the-gioi-sau-tpp-20161124024258591p145c151.news