HSBC: 'Không gì có thể cản bước đồng USD'

Theo một nhà phân tích hàng đầu tại HSBC, dường như hiện tại đồng USD là một trong những điểm nóng đầu tư bởi nền kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao của chu kỳ phát triển.

HSBC: 'Không có gì có thể cản bước đồng USD'

David Bloom, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo này dựa vào việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang trên đà tăng lãi suất, do các chỉ số kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, ngân hàng trung ương của các quốc gia khác thuộc nhóm G10 lại gặp nhiều hạn chế khi cùng thực hiện lộ trình thắt chặt lãi suất.

"Không điều gì mà tôi có thể nghĩ đến sẽ ngăn Fed thực hiện lần nâng lãi suất tiếp theo trong vài tuần tới. Tôi cũng khá chắc chắn rằng ECB cũng sẽ không đưa ra động thái mới nào trong các cuộc họp tới đây. Vậy là chúng ta có một sự đa dạng trong chính sách tiền tệ của các nước: một bên là 'cỗ máy' mạnh mẽ đẩy tăng trưởng tiếp tục tiến lên phía trước, bên kia lại cần đến một sự thúc đẩy bởi các nhà hoạch định chính sách", ông nói.

Giá USD đã tăng hơn 6% so với thời điểm giữa tháng Tư và giảm xuống mức thấp nhất trong năm so với đồng euro ở 1,1659 USD/EUR vào cuối tháng Năm trước khi tăng nhẹ lên 1,1716 hôm thứ Ba (5/6).

Triển vọng lạc quan của nền kinh tế Mỹ đã xóa bỏ sự đồng thuận hồi đầu năm rằng 2018 sẽ là một năm yếu cho đồng USD.

Riêng HSBC lập luận ngược lại, dự báo rằng các yếu tố chu kỳ tích cực sẽ bù đắp cho các trở lực liên quan đến chính trị và cấu trúc nền kinh tế. Trong vài tháng qua, dữ liệu về việc làm và tiền lương của Mỹ đã vượt quá mong đợi, thúc đẩy kỳ vọng lạm phát và tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục đi theo "con đường" đã chọn.

Và trong khi nước Mỹ đang trên đà của mình, những nước khác trên thế giới lại đang do dự về việc có nên theo bước chân Fed. Đặc biệt ở châu Âu, nơi đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm và sự bất ổn chính trị đến từ các nước như Ý và Tây Ban Nha.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 223.000 việc làm trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức ước tính là 190.000. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm là 3,8%. Thu nhập theo giờ trung bình tăng 0,3%. Với những tín hiệu tích cực như vậy, Ủy ban chính sách tiền tệ của Fed đã gợi ý thêm hai lần tăng lãi suất nữa cho đến hết năm, tổng cộng là 3 lần cho cả năm 2018.

Bàn về rủi ro giảm giá, các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), cũng như nhiều ngân hàng đã chỉ ra những căng thẳng về thương mại hoàn toàn có thể khiến dự báo lạc quan này bị sai lệch. Một số nhà kinh tế học cho rằng sự tăng lên của USD là kém bền vững, họ chỉ ra sự mất cân đối tài chính và các khoản nợ leo thang của Mỹ.

Đại diện HSBC phản đối điều này, cho rằng không chỉ những yếu tố tiêu cực đối với đồng USD đã được phản ánh vào giá của nó, mà sự lo lắng về những xung đột thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác đã bị thổi phồng quá mức. Hôm thứ Năm tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố dỡ bỏ chính sách miễn thuế cho các đồng minh như Mexico, Canada và Liên minh châu Âu. Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành để giảm bớt tình trạng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, sau khi cả hai nước đã có những động thái đe dọa áp đặt thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Tuy nhiên, tốc độ tăng của đồng USD như hiện nay đã khiến cho nhiều người lo lắng, ngay cả David Bloom. Đồng USD tăng giá một cách nhanh chóng sẽ gây áp lực lên các thị trường mới nổi với các khoản vay bằng USD, và nguy cơ cho một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ đến nhanh hơn.

"Tốc độ tăng của đồng USD hơi đáng báo động. Dù có vẻ như nó đã chậm lại một chút, nhưng tôi không nghĩ xu hướng này chuẩn bị kết thúc. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng đồng USD sắp tới sẽ tiến một cách từ từ", ông nói.

Minh Khuê

Theo CNBC

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/hsbc-khong-gi-co-the-can-buoc-dong-usd-20180504224207836.htm