HSBC: Du lịch là động lực xoa dịu những thách thức của Việt Nam năm 2023

Theo HSBC, trong bối cảnh biến động của nền kinh tế năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn thì du lịch đang nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm 2023.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn thương mại trong ngắn hạn

Trong báo cáo “Vietnam At A Glance”, HSBC cho rằng năm 2023 sẽ là một năm thách thức khi tình hình thương mại đang chậm lại cùng với sự chuyển dịch hàng hóa sang dịch vụ.

Phân tích các chỉ số nền kinh tế, dữ liệu của HSBC cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao. Về tăng trưởng, các chỉ số thương mại của Việt Nam tiếp tục xấu đi. Dữ liệu thương mại tháng 1 yếu đi đáng kể do các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ 7 ngày. Do đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 1 đạt kết quả yếu, giảm cả trên cơ sở so sánh từng tháng và năm.

Ngoài ra, chỉ số PMI mới nhất là 47,4 càng chứng thực sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên khi tâm lý toàn cầu được cải thiện đôi chút.

Bảng tóm lược các chỉ số kinh tế gần đây của Việt Nam.

Bảng tóm lược các chỉ số kinh tế gần đây của Việt Nam.

Kết quả là xuất khẩu đã giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do hàng điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị xuất đi sụt giảm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã ghi nhận mức thặng dư thương mại khá lớn là 3,6 tỷ USD trong tháng 1, do nhập khẩu cũng giảm đáng kể 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

Biểu đồ xuất khẩu của Việt Nam từ 2018-2023.

Trong tháng 1, lạm phát toàn phần tiếp tục tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lạm phát lương chiếm nhiều nhất, ở mức 6,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước. HSBC chỉ ra diễn biến này cho thấy có nhiều rủi ro tăng đối với lạm phát và cũng là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Du lịch – một phần "cứu cánh"

Bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, nền kinh tế có nhiều biến động, rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao, HSBC nhận định Việt Nam vẫn còn khả năng trụ vững, một nguồn tăng trưởng chính sẽ đến từ du lịch.

Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ cán mốc 100 triệu khách du lịch nội địa, vượt qua kế hoạch 60 triệu lượt khách đã đề ra.

Tình hình tăng trưởng khách du lịch Quốc tế tại Việt Nam và khách du lịch Trung Quốc tại thị trường ASEAN.

Tuy nhiên, du lịch quốc tế vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại không mấy sôi động. Năm 2022, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, bằng 20% so với mức của năm 2019 chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).

Dù chưa thể phục hồi hoàn toàn nhưng du lịch Việt Nam có lý do chính đáng để kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn khi khách du lịch Trung Quốc - nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại.

Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, HSBC khẳng định, tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ đạt 50-80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.

Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, theo HSBC, Việt Nam cũng cần khai thác các thị trường mới nổi như Ấn Độ bởi tốc độ tăng trưởng lượt khách đến Việt Nam của thị trường này khá khả quan. Năm 2022, khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam, trong khi năm 2019 là 1%. Tháng 9 vừa qua, hãng hàng không VietJet đã bắt đầu khai thác các đường bay giữa Phú Quốc với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ.

Thống kê về hành vi của du khách đến từ các thị trường chính năm 2019.

Tuy nhiên, để tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch của Việt Nam, HSBC cho rằng chính sách visa cởi mở sẽ là một lợi thế. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực ở Việt Nam vẫn còn tương đối chặt chẽ.

Ngoài ra, báo cáo “Vietnam At A Glance” đánh giá mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở Việt Nam khá tốt. Số lượng cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch (theo Tổng cục Du lịch). Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác như du lịch chứ không chỉ trong sản xuất.

HSBC cho rằng với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hsbc-du-lich-la-dong-luc-xoa-diu-nhung-thach-thuc-cua-viet-nam-nam-2023-post17394.html