HPG đảo chiều thành công, HDB đột biến giao dịch

Thị trường tiếp tục tiến chậm và chắc lên cao hơn ngưỡng 1.000 điểm trong phiên cuối tuần. Sự thiếu vắng của các cổ phiếu trụ được bù đắp phần nào từ các blue-chips trung bình...

VN-Index đã tăng gần tới đỉnh cao nhất năm 2019.

VN-Index đã tăng gần tới đỉnh cao nhất năm 2019.

Thị trường tiếp tục tiến chậm và chắc lên cao hơn ngưỡng 1.000 điểm trong phiên cuối tuần. Sự thiếu vắng của các cổ phiếu trụ được bù đắp phần nào từ các blue-chips trung bình.

VN-Index tăng 4,25 điểm cuối phiên hôm nay có phần may mắn vì cuối phiên có một số cổ phiếu lớn cải thiện giá hơn hẳn. Cho đến phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục chỉ số này còn tăng chưa tới 3 điểm, thậm chí đầu phiên chiều còn có một nhịp giảm xuống dưới tham chiếu.

Do thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt nên VN-Index chỉ có thể "dò dẫm" tăng giá, thay vì tăng bùng nổ kể cả khi đã vượt xa mốc 1.000 điểm. Diễn biến tích cực hơn chỉ có thể đến trong đợt ATC khi vẫn phải trông cậy vào biến động tăng giá giật cục của một số trụ lớn. Cụ thể, VCB được giật tăng 0,53% dù trước đó vẫn còn tham chiếu; VHM đang từ giảm được kéo tăng 0,36%; MSN cũng được đẩy cao hơn 600 đồng để quay về tham chiếu; HPG thậm chí tăng thêm gần 0,9% lúc ATC để mở rộng mức tăng cả phiên lên 3,28%...

Nhịp đẩy giá của HPG hôm nay cũng kết thúc nhịp giảm 3 phiên kể từ khi có tin quỹ ngoại thoái vốn. Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài lại thấy ghi nhận mua ròng ở HPG khoảng 598.000 cổ. Mặc dù vậy tổng lượng mua của khối ngoại chỉ chiếm 11% thanh khoản của HPG phiên này, nên lực tăng chủ yếu vẫn là do nhà đầu tư trong nước bắt đáy.

Tuy nhiên thanh khoản của HPG sụt giảm hơn một nửa so với phiên trước, chỉ đạt trên 16 triệu cổ trị giá 576,9 tỷ đồng. Thanh khoản giảm giúp HPG tăng giá thì có thể đến từ việc áp lực bán đã suy yếu. HPG đã liên tục có 3 phiên giao dịch ngàn tỷ đồng giá trị, là mức tập trung thanh khoản kỷ lục ở cổ phiếu này. Rất nhiều nhà đầu tư đã chốt lời ở 3 phiên này và có thể nhu cầu bán đã giảm đi. Hôm nay cũng là ngày T+3 của 48,9 triệu HPG tại đỉnh về tài khoản, tất cả đều lỗ, nhưng giao dịch chỉ tương đương một phần ba khối lượng đó. Như thế nhà đầu tư vẫn đang giữ cổ phiếu lại rất nhiều.

HPG chưa phải là cổ phiếu hạng nhất đối với VN-Index (vốn hóa thứ 9), nhưng mức tăng khá mạnh phiên này cộng với việc không có cổ phiếu trụ nào khác tăng đủ mạnh, nên trở thành mã có ảnh hưởng nhất. HPG góp cho VN-Index 1,1 điểm.

Việc HPG trở thành mã quan trọng nhất thể hiện một thực tế là các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang trở thành nhóm "gánh" chỉ số chứ không phải các siêu blue-chips. Ngoài HPG, MWG cũng tăng 2,39%, PNJ tăng 3,41%, POW tăng 3,74%, REE tăng 2,59%, SBT tăng 2,8%, SSI tăng 1,04%, MBB tăng 2,56%, HDB kịch trần.

Cổ phiếu HDB là hiện tượng bất ngờ trong phiên hôm nay khi tăng hết biên độ. Một phần nguyên nhân là HDB thực hiện điều chỉnh giá kỹ thuật để trả cổ tức và tăng vốn. Giá tham chiếu từ 25.500 đồng giảm xuống 20.100 đồng. Vì vậy kể cả khi HDB tăng kịch trần thì cũng chưa bằng giá đóng cửa hôm qua. HDB chuyển nhượng 10,5 triệu cổ, mức thanh khoản cao chưa từng có kể từ tháng đầu tiên chào sàn. Ngoài ra mức tăng giá dựa trên cơ sở điều chỉnh tham chiếu này cũng giúp HDB đạt ngưỡng cao nhất kể từ cuối tháng 10/2018.

VN-Index tăng hơn 4 điểm hôm nay mà hầu như không có sự dẫn dắt của các trụ. VCB, GAS, VHM tăng yếu mà chủ đạo là nhảy giá đợt ATC. BID giảm 0,35%, SAB giảm 0,77%, VIC giảm 0,85%, VNM giảm 0,09%. Sự khác biệt trong vai trò của nhóm blue-chips vốn hóa trung bình thể hiện rõ khi VN30-Index tăng được 0,72% trong khi VN-Index chỉ tăng 0,42%.

Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch cũng tích cực hơn các blue-chips lớn. Chỉ số đại diện nhóm Midcap tăng 0,95%, Smallcap tăng 0,73%. Các mã đầu cơ rất nóng là BCM, CVT, HDG, AGR, VOS, đều tăng giá kịch trần với thanh khoản cao. CVT thậm chí còn tăng kịch trần sang phiên thứ 9 liên tục. Kể từ đầu tháng 11 đến nay CVT đã tăng 101,2%.

Mặc dù không có được sự nâng đỡ tốt hơn từ nhóm vốn hóa lớn nhưng cơ bản VN-Index vẫn đi lên dù tốc độ khá chậm. Dường như các mã vốn hóa lớn nhất chỉ có vai trò nổi bật ở một thời điểm và đó là lúc VN-Index cần sức mạnh để vượt đỉnh tháng 10 hay vượt mốc tâm lý 1.000 điểm.

Thanh khoản cũng có dấu hiệu giảm xuống đáng kể. Sau 3 phiên đầu tuần giá trị khớp lệnh hai sàn liên tục duy trì trung bình trên ngưỡng 11.000 tỷ đồng, hôm qua giá trị khớp giảm xuống còn 9.487 tỷ đồng và hôm nay còn 8.684 tỷ đồng. Sự suy giảm giao dịch của HPG có thể là nguyên nhân, nhưng kể cả khi không tính cổ phiếu này thì thanh khoản chung vẫn giảm.

Lan Ngọc

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/hpg-dao-chieu-thanh-cong-hdb-dot-bien-giao-dich-20201127154329774.htm