'Hốt' tiền tỷ từ vùng chiêm trũng

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ có nhiều làng nghề và công nghiệp phụ trợ phát triển, nhiều gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh) cho thuê lại ruộng đất. Vì vậy, nhiều chủ trang trại có điều kiện tích tụ đất đai để sản xuất lớn, có doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Vợ chồng ông Mạnh thu hoạch sen.

Quy hoạch đồng trũng, sản xuất sạch

Có dịp về thăm trang trại VietGAP rộng hơn 20ha của ông Nguyễn Chí Mạnh ở xã Song Hồ, chúng tôi thấy chính quyền và người dân nơi đây đã có hướng đi đúng khi “ly nông, không ly hương”, làm giàu ngay tại quê nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Mạnh cho biết, năm 2005, ông chỉ có 3ha ở khu đồng chiêm trũng (thuê thời hạn 20 năm), khó sản xuất và canh tác, lại thêm nạn ốc bươu vàng hoành hành. Do đam mê đồng ruộng, lại sẵn có ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch, ông thuê thêm 18ha, nâng tổng diện tích canh tác lên hơn 20ha. Khởi đầu, việc cải tạo lại khu đồng chiêm trũng hoang hóa khá vất vả, bởi trước đó chủ các mảnh đất này sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bươu vàng. Sau khi tiếp quản, ông phải thả cá trắm đen (một loài cá ăn tạp), để triệt tiêu ốc bươu vàng, đồng ruộng dần sạch sẽ, nhờ các loại thiên địch phát triển.

Hiện, ông Mạnh chia khu đồng trũng thành các khu nhỏ: Hồ cá rộng 3ha, hàng ngày có 10 - 15 khách đến câu với giá bình quân 50.000 đồng/giờ (thu khoảng 3 triệu đồng/ngày). Xung quanh hồ ông trồng cây ăn quả như: bưởi, hồng xiêm, nhãn, xoài, mỗi loại khoảng 500 cây. Các loại cây đều được sử dụng phân hữu cơ; phân gà vịt, lợn ủ hoai và bùn ao, hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu.

Khu thả sen rộng 5ha, cho thu khoảng 300 triệu đồng/năm, chủ yếu là bán gương sen. Trong hồ sen còn thả tôm, cua đồng, cá quả, ốc. Tôm được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg; cua đồng 150.000 đồng/kg. Gần đây, có nhiều nhà hàng ở quanh vùng đặt tôm rang với giá 250.000 đồng/kg; gà bọc lá sen, gà hầm 300.000 đồng/con, gia đình ông cũng đã đáp ứng đủ.

Khu lúa - cá rộng 5ha, song thả cá là chính; lúa cấy chủ yếu lấy thóc nuôi vịt, gà. Khu nuôi vịt 2ha, gồm 2.000 vịt thịt, 1.000 vịt đẻ, doanh thu 400 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Mạnh còn có 2ha nuôi rắn Mồng đỏ (họ rắn nước), không độc hại, không cắn người, chỉ ăn cá. Đặc biệt, trứng rắn rất ngon và bổ; mùa đông, giá rắn thịt đạt 400.000 đồng/kg; mùa hè 250.000 đồng/kg. Hiện, ông Mạnh đang trong quá trình thử nghiệm nuôi rắn, nếu thành công sẽ nuôi rắn thương phẩm.

Doanh thu toàn trang trại đạt 1,1-1,2 tỷ đồng/năm, lãi 600 - 700 triệu đồng/năm.

Như vậy, sau 13 năm kiên trì bám trụ đồng ruộng, vừa làm, vừa học hỏi bạn bè và các cơ quan chuyên môn, ông Mạnh đã quy hoạch lại hơn 20ha khu đồng chiêm trũng một cách bài bản, khoa học. Lấy ngắn nuôi dài, “đầu ra” của sản phẩm này làm “đầu vào” cho sản phẩm kia, tạo thành vòng sản xuất sạch, khép kín, ổn định. Khách hàng xa, gần đều ấn tượng khi dùng các sản phẩm từ trang trại của ông như: rắn Mồng đỏ, trứng rắn; gà hầm, gà bọc lá sen; tôm rang…

Được biết, đầu năm 2018, ông Mạnh thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Thủy sản Mạnh Hồng, do ông làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX, với 7 thành viên; trong đó có 1 thành viên chuyên đi giao hàng, 6 thành viên còn lại chịu trách nhiệm sản xuất sạch.

Cần sự hỗ trợ

Kết thúc buổi đi thăm trang trại, ông Mạnh bộc bạch, doanh thu nhiều, lãi lớn, nhưng vẫn rất cần vốn để tái đầu tư cho tất cả các hạng mục trong trang trại. Hiện, HTX đang cần ít nhất 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Song, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình chỉ vay ngân hàng được 600 triệu đồng; còn lại phải vay ngoài với lãi suất cao.

Mặt khác, trong 13 năm qua, gia đình ông đã đổ nhiều công sức, tiền của vào khu đồng trũng hoang hóa này, nhưng thời hạn thuê chỉ 20 năm, nên không yên tâm canh tác. Vì vậy, ông có nguyện vọng được nâng thời gian thuê dài hơn.

Hiện, ông đang xây dựng mô hình VietGAP cho tất cả các sản phẩm trong trang trại, rất cần nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo các ban ngành liên quan giúp đỡ để sớm đưa sản phẩm sạch, có thương hiệu đến tay người tiêu dùng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Đặng Hoa, Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Thành, cho biết: “Thuận Thành hiện có khoảng 20 trang trại, đang phát triển đều và ổn định. Ông Mạnh đang xây dựng thương hiệu VietGAP cho các sản phẩm trong nông trại và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững tại quê nhà. Nguyện vọng được vay vốn ưu đãi, thuê đất lâu dài của ông Mạnh là chính đáng, nhưng điều này vượt quá thẩm quyền của huyện, chúng tôi sẽ đề xuất cấp trên. Trước mắt, Hội cho ông Mạnh vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ sản xuất”.

Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cũng cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho trang trại của ông Mạnh; tổ chức đi tham quan trong và ngoài tỉnh về sản xuất VietGAP; tiến tới xây dựng nơi đây là nông trại hữu cơ đầu tiên của Thuận Thành. Hỗ trợ nông trại thành lập HTX để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Mặt khác, Hội sẽ trình cấp trên cho ông Mạnh tiếp tục được thuê đất thêm 20 năm nữa, để HTX yên tâm đầu tư. Về nguồn vốn, sẽ đề xuất hỗ trợ bằng nguồn của tỉnh, cho vay 1 - 2 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi 0,5%/năm”.

Được biết, tháng 4/2018, ông Mạnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hy vọng, từ mô hình của ông, huyện Thuận Thành nói riêng, Bắc Ninh nói chung, ngày càng có nhiều trang trại sản xuất hiệu quả và thành công.

Dương An Như

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/hot-tien-ty-tu-vung-chiem-trung-post21588.html