Hot girl nghi lộ clip nóng và cơn bão share hủy hoại đời người

Một cách vô thức, những lời mỉa mai, bình luận có vẻ hồn nhiên, vu vơ và vô tâm của nhiều người đã đang và sẽ đẩy những con người sa vào khủng hoảng đến bờ vực.

Hot trend đâu tự nhiên sinh ra, cũng đâu tự nhiên biến mất. Nó chỉ bỏ qua những trend nhỏ mà dồn hết cả vào trend lớn. Nhưng ngày thứ Sáu vừa rồi, tất cả những thứ lẽ ra phải là trend trên Facebook khuất lấp hết cả bởi clip nóng bị nghi là của một hot girl.

Một xã hội vẫn còn xem tình dục như là chủ đề nhạy cảm, nay được đoạn clip thì nổ bùng ra những ẩn ức bấy lâu. Người ta vô tư bàn tán, quên mất họ đang vô tình trở thành những kẻ cyber bully (bắt nạt trên mạng).

Điều đáng buồn hơn là rất nhiều người đã nhân tiện lôi vụ của Hoàng Thùy Linh hơn chục năm trước ra nói lại. Họ mỉa mai là cô hot girl vừa bị lộ clip nóng này cũng sắp được lên VTV xin lỗi và sẽ xuất bản sách.

Sự hanh tai lạc họa và nhỏ nhen của một số thành phần tự nhận là đạo đức trên Facebook này thực sự đáng sợ. Cũng những kẻ ấy đã chửi tôi là “nhà báo mạt hạng” khi tôi viết quyển tự truyện cho Hoàng Thùy Linh.

Nói đến Hoàng Thùy Linh, tôi không thể quên những ngày đầu khi làm việc với cô liên quan đến cuốn sách. Công việc tiến triển rất chậm, vì cứ để cập đến chuyện cũ là cô đã khóc, khóc lại từ đầu như mới diễn ra ngày hôm qua.

Ai cũng vui vẻ góp thêm một vài viên đá, vào một cơ thể có thể đang lâm trọng thương.

Một scandal chấn động không chỉ tước đi những gì cô đang có mà mang đến những vết nhơ mà cô phải đeo mang suốt 10 năm sau đó.

Những người đã mỉa mai, miệt thị cô vào cái thời Facebook còn chưa thịnh hành hơn 10 năm trước đã không biết cô trở thành một kẻ nghiện rượu như thế nào, chống chọi với trầm cảm ra sao và đã vất vả như thế nào để có thể cất giọng hát trở lại.

Nếu đúng là hot girl đó, vụ này và vụ Hoàng Thùy Linh tất nhiên có nhiều điểm khác biệt rất xa. Nhưng cái cách người ta tập trung chú ý vào cô gái thì rất giống nhau. Cách cộng đồng mạng hả hê chia sẻ, bình luận cũng rất giống nhau.

Một suy nghĩ thật đơn giản: Người ta nói được sao ta không nói được. Thế là ai cũng vui vẻ góp thêm một vài viên đá, vào một cơ thể có thể đang lâm trọng thương.

Vết sẹo hằn sâu suốt đời

Vấn đề của Hoàng Thùy Linh hơn 10 năm trước đến giờ hóa ra vẫn còn nhức nhối. Hãy nhìn lại một vài dữ kiện:

Tháng 3 năm ngoái, một cô gái ở Nghệ An tự sát vì bị bạn tung clip hôn bạn trai lên mạng.

Tháng 6/2015, một nữ sinh ở Đồng Nai uống thuốc trừ sâu khi phát hiện clip ân ái của mình bị tung lên mạng.

Cũng tháng 6, nhưng là năm 2013, một vụ việc ngỡ như rất vớ vẩn đã khiến một cô gái uống thuốc diệt cỏ ở Hà Nội. Bị bạn bè ghép hình vào một cô gái khác, cô gái vừa tốt nghiệp lớp 12 dọa uống thuốc nếu các bạn không xóa tấm hình ấy. Cô bé làm đúng như thế vì chịu không nổi những lời bình luận.

Và đây là chuyện không chỉ của riêng Việt Nam.

Cứ 25 người dân Mỹ thì có một người là nạn nhân của việc tung clip sex lên mạng, theo báo cáo của Trung tâm sáng kiến sức khỏe cộng đồng (CiPHR - Mỹ) năm 2016.

Không chỉ người nổi tiếng, ai cũng có thể là nạn nhân. Phần lớn những người bị đe dọa và bị tung clip nóng ở độ tuổi 26-33, độ tuổi “có chút vị thế xã hội”.

Theo nghiên cứu của Tổ chức sáng kiến mạng (CCRI - Mỹ) năm 2017, nạn nhân bị tung clip lên mạng phần lớn là phụ nữ. Khảo sát chỉ ra rằng số lượng phụ nữ là nạn nhân cao gấp 1,5 lần nam giới.

Trong cuốn sách Revenge Pornography: Gender, Sexuality and Motivations (Phim khiêu dâm trả thù: Giới tính, tình dục và động cơ), một nữ sinh viên chia sẻ chuyện bị bạn trai cũ đe dọa sẽ tung lên mạng những hình ảnh “mát mẻ” khi còn yêu nhau cô hay gửi cho bạn trai. Điều đó khiến cô mất ăn mất ngủ, rơi vào trạng thái khủng hoảng và sợ sệt.

Nhưng không có nghĩa là đàn ông miễn nhiễm. Cũng trong cuốn sách trên, một nạn nhân là nam giới chia sẻ chuyện anh trở thành trò đùa cho cư dân mạng và cả người quen bởi người bạn gái cũ chia sẻ clip quay lại cảnh nóng kèm theo những lời lẽ giễu cợt về khả năng sinh lý.

“Tôi sẽ phải sống thế nào đây? Giờ ai cũng biết mặt tôi. Mọi người chỉ trỏ, cười khúc khích sau lưng tôi. Từ giờ đến cuối đời tôi sẽ phải sống với cái mác người đàn ông yếu sinh lý”, nạn nhân này nói.

Nạn nhân phải hứng chịu lời đàm tiếu, cái nhìn kỳ thị, dè dặt từ xã hội, thậm chí là bị trách móc kiểu “nếu không dễ dãi thì người khác đâu có quay được video như vậy”.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, chỉ cần đe dọa, chưa cần phát tán video đã khiến những nạn nhân của phải chịu vấn đề tâm lý: bất an, lo lắng, mệt mỏi, mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

Theo ông David Ward, chuyên gia pháp lý của Legal Voice (tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT có trụ sở tại Washington, Mỹ), hậu quả để lại cho nạn nhân rất lớn, thường trở thành vết sẹo hằn sâu suốt đời, và không phải ai cũng có đủ can đảm để vượt qua khủng hoảng đó.

Nạn nhân phải hứng chịu lời đàm tiếu, cái nhìn kỳ thị, dè dặt từ xã hội, thậm chí là bị trách móc kiểu “nếu không dễ dãi thì người khác đâu có quay được video như vậy”.

Những người trong độ tuổi 26-33 gặp rào cản ở nơi làm việc hoặc khi đi xin việc. Và tệ hơn, khi tâm lý bất ổn, họ có thể rơi vào cạm bẫy, trở thành nạn nhân đường dây buôn người. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tổ chức Legal Voice đã tiếp nhận trường hợp phụ nữ trong đường dây buôn người được giải cứu từng bị tung clip nóng lên mạng.

Kẻ share link hôm nay, nạn nhân ngày mai

Những người phát tán clip sex lên mạng, là ai và tại sao họ làm vậy?

Theo khảo sát của Tổ chức sáng kiến mạng, người phát tán đoạn clip đó, phần lớn nằm trong độ tuổi 18-25. Đôi khi không phải “nhân vật chính” chủ động tung những clip đó lên mạng mà là người ngoài tình cờ xem được, chia sẻ với nhau “cho vui và không có ý định làm hại ai cả”.

Nhưng cũng không ít người được hỏi trả lời sử dụng mạng xã hội phát tán clip sex để câu like, kiếm view. Một số khác thừa nhận muốn trả thù, làm bẽ mặt người yêu cũ.

Có luật không? Trên thế giới thì có, nhưng vẫn còn chắp vá, theo chuyên gia David Ward. Hiện nay, 41/50 bang của Mỹ có điều luật quy định về phát tán video nóng.

Bang New York mới thông qua điều luật này vào tháng 2 vừa rồi. Luật sư thành phố Albany (bang New York) từng phàn nàn thân chủ của họ đã trình báo nhưng cảnh sát đành bó tay vì không có luật cụ thể quy định thế nào là hành vi phát tán video/hình ảnh nhạy cảm, cũng như chế tài xử phạt ra sao.

Ở bang California, năm 2017, sau gần 4 năm theo đuổi vụ kiện, một người phụ nữ đòi được 6.4 triệu USD bao gồm tiền bản quyền clip, tiền tổn thất tinh thần và phí tổn khác từ bạn trai cũ khi anh này tung clip ân ái của hai người lên mạng.

Khi ta là nạn nhân, có lẽ ta cũng mong người đời nhẹ tay với mình một chút.

Phát tán clip nóng trên mạng ngày càng tăng nhất là trong thời đại 4.0. Và luật liên bang của Mỹ nêu rõ: Không chỉ kẻ đầu trò phát tán video sex mới có tội, những người chia sẻ thứ cấp cũng không vô can.

Vào thời buổi 4.0 này, bất kỳ ai cũng có thể là một kẻ thủ ác online, và bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân online. Khi ta là nạn nhân, có lẽ ta cũng mong người đời nhẹ tay với mình một chút.

Chương cuối cùng của quyển tự truyện, Hoàng Thùy Linh đặt cho nó cái tựa: “Ai cũng có thể là Vàng Anh”. Một ngày đầu năm 2017, Linh gõ tên mình vào ô tìm kiếm của Google, và kết quả được tìm kiếm nhiều nhất vẫn liên quan hầu hết đến clip sex 10 năm trước đó của cô.

Không ai quên câu chuyện của cô cả, dù Hoàng Thùy Linh đã trở lại hoạt động nghệ thuật. Hot girl vừa dính scandal cũng thế thôi.

Đoạn clip trên sẽ ám ảnh cô suốt đời. Nó sẽ tồn tại mãi mãi trong tất cả những công cụ tìm kiếm. Vì chúng ta đã góp phần tạo nên lịch sử của một con người.

Còn bao nhiêu vụ việc như thế mới đủ để chúng ta chậm lại một nhịp khi buông lời mỉa mai một ai đó trên mạng?

Trần Minh
Illustration: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hot-girl-nghi-lo-clip-nong-va-con-bao-share-huy-hoai-doi-nguoi-post935593.html