HoREA kiến nghị Thủ tướng bất cập khi sử dụng quỹ đất, trụ sở thanh toán Dự án BT

Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về một số vướng mắc, bất cập khi sử dụng quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2019'.

Nghị định 69/2019/NĐ-CP "Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao" có hiệu lực từ ngày 01/10/2019, sẽ tạo khuôn khổ pháp luật để tiếp tục triển khai, thực hiện các Dự án BT theo phương thức Nhà nước sử dụng tài sản công, trong đó có “quỹ đất, trụ sở làm việc” (sau đây gọi là “quỹ đất”), để thanh toán cho Nhà đầu tư.

 Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Tuy nhiên, nghiên cứu Nghị định 69/2019/NĐ-CP và đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy nội dung một số quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có thể bị vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết các bất cập và vướng mắc nêu trên, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, không làm thất thoát tài sản nhà nước và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch.

Trong văn bản gửi Thủ tướng HoREA kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" thanh toán Dự án BT:

"Hiệp hội nhận thấy chưa có khung pháp luật cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" thanh toán Dự án BT. Luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định số tiền thu được từ khai thác quỹ đất thuộc ngân sách nhà nước, được bố trí trong kế hoạch đầu tư công và dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước. Nếu thực hiện thanh toán Dự án BT theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư công thì có rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian", văn bản nêu.

Bên cạnh đó, Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP không quy định phương thức sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Dự án BT là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) về bản chất là Nhà nước mua lại công trình BT của nhà đầu tư (thuộc loại dự án mua tài sản theo Điều 6 Luật Đầu tư công). Nhà đầu tư Dự án BT bỏ tiền thực hiện xây dựng công trình trước. Nhà nước tiếp nhận công trình và thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư. Dùng “tiền” để thanh toán Dự án BT là phương thức thanh toán phổ biến, đảm bảo nguyên tắc ngang giá đối với các Dự án BT, cần được bổ sung vào Luật quản lý, sử dụng tài sản công (Tương tự như trường hợp chủ đầu tư giao thầu trọn gói cho nhà thầu thực hiện công trình, sau khi bàn giao công trình thì mới được thanh toán).

Hiệp hội đề nghị bổ sung phương thức sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Dự án BT vào Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

Do Nghị định 69/2019/NĐ-CP đã quy định số tiền thu được từ khai thác "quỹ đất" được dùng để thanh toán Dự án BT, Hiệp hội đề nghị bổ sung "Dự án BT" vào Khoản (1.b) Điều 6 Luật Đầu tư công 2014 "b. Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc, dự án BT và các dự án khác không quy định tại điểm a khoản này", và đề nghị bổ sung thêm các quy định về sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Dự án BT vào Luật Đầu tư công để thống nhất thực hiện.

HoREA cũng kiến nghị cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa quy định khai thác "quỹ đất" để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai) và quy định sử dụng "quỹ đất" để thanh toán Dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công); Thực hiện phổ biến việc bán đấu giá "quỹ đất" công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc, để tạo nguồn "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Hợp đồng BT; Đề nghị việc sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" để thanh toán Hợp đồng BT, được thực hiện theo quy định về mua tài sản công theo Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, và bổ sung thủ tục, cơ chế phù hợp với Dự án BT.

Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng "quỹ đất" đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán Hợp đồng BT và chỉ thực hiện phương thức thanh toán này, khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đúng như quy định tại Khoản (1.c) Điều 5 Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

Theo HoREA, chỉ nên sử dụng "quỹ đất" chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán Hợp đồng BT trong trường hợp nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng cho Nhà nước, như đã quy định tại Điều 8 Nghị định 69/2019/NĐ-CP; Phải đảm bảo “nguyên tắc ngang giá” khi Nhà nước sử dụng "quỹ đất" để thanh toán Dự án BT.

Nhật Lâm

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/bat-dong-san/201909/horea-kien-nghi-thu-tuong-bat-cap-khi-su-dung-quy-dat-tru-so-thanh-toan-du-an-bt-640770/