Hợp tác Y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ sẽ làm nên điều kỳ diệu

Y học cổ truyền Việt Nam và Ấn Độ có những thế mạnh riêng, nếu biết kết hợp ta sẽ làm được những điều kỳ diệu.

Ngày 10/12 tại New Delhi, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Viện Báo chí và Truyền thông xã hội, Viện Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Ấn Độ, đã phối hợp tổ chức “Hội thảo Y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y học cổ truyền của Ấn Độ (AYUSH) Pramod Kumar Pathak; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Tổng Giám Đốc Viện RIS GS. Sachin Chaturvedi, Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Lê Hồng Trường, cùng các giáo sư, các lương y Việt Nam và Ấn Độ…

Thứ trưởng Bộ Y học cổ truyền của Ấn Độ (AYUSH) Pramod Kumar Pathak tham dự sự kiện. (Ảnh: MH)

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh: “Hội thảo quốc tế về Y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ là một sự kiện quan trọng, là nơi các nhà chuyên môn có cơ hội trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến y học cổ truyền của hai nước. Ấn Độ và Việt Nam đều có nền y học cổ truyền từ lâu đời và có nhiều nét tương đồng, rất hứa hẹn một tiềm năng hợp tác và phát triển. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa y học cổ truyền hai nước nói chung và Viện RIS với các tổ chức, trung tâm y tế của Việt Nam nói riêng.”

Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MH)

Về tiềm năng hợp tác cụ thể, theo GS Sachin Chaturvedi, “Y học cổ truyền Việt Nam và Ấn Độ đều có những thế mạnh riêng, nếu biết kết hợp ta sẽ làm được những điều kỳ diệu."

Ngành y học cổ truyền hiện đang phát triển khá mạnh tại Ấn Độ. Quốc gia này hiện đang nhập khẩu nhiều loại dược liệu. GS. Sachin Chaturvedi cho rằng, "cả Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu nguồn thảo dược phong phú, có nhiều điểm chung để cùng phát triển, chẳng hạn như xuất nhập khẩu dược liệu”. Để làm được điều đó, Tổng Giám Đốc Viện RIS đề xuất mô hình hợp tác công - công hoặc công - tư.

Tại Hội thảo, hơn 10 tham luận được trình bày tập trung vào việc điều trị bệnh theo phương pháp dùng thảo dược, điều trị bệnh không sử dụng thuốc và tìm giải pháp tăng cường hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực này.

Trong đó có thể kể đến những tham luận rất có giá trị của các diễn giả Ấn Độ như: Đề xuất hợp tác y tế cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ; Chiến lược đưa ngành công nghiệp y học cổ truyền thành công trên thị trường thế giới; Du lịch y tế và y học cổ truyền ở Việt Nam…

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: MH)

Đặc biệt, các tham luận của các diễn giả Việt Nam đều thu hút sự quan tâm của các đại biểu như tham luận về y học cổ truyền Việt Nam hỗ trợ điều trị, tránh ảnh hưởng phụ do thuốc Tây y do GS, TS. Thấy thuốc Nhân dân Dương Trọng Hiếu; tham luận Diện chẩn - một phương pháp y học đặc thù của người Việt; tham luận Giúp mọi người tự học và chữa bệnh cho bản thân và những người xung quanh của Chủ tịch Hội Diện chẩn – Hội Đông Y Hà Nội Nguyễn Thị Minh Thanh.

Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Lê Hồng Trường cho rằng, cần thông tin mạnh hơn nữa về y học cổ truyền của hai nước. (Ảnh: MH)

Phó Chủ tịch Hội Diện chẩn – Hội đông y Hà Nội Nguyễn Đức Sơn tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: MH)

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: MH)

Buổi Hội thảo y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao hiểu biết, cũng như vị thế của hai nền y học cổ truyền dân tộc lâu đời.

Minh Hòa

(từ Ấn Độ)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/hop-tac-y-hoc-co-truyen-viet-nam-an-do-se-lam-nen-dieu-ky-dieu-83343.html