Hợp tác 'xanh hóa' ngành dệt may Việt Nam

Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hôm nay ra mắt một dự án 'Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững'.

Dự án tham vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành một ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường.

Dự án sẽ được triển khai từ năm 2018 – 2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế, và bảo tồn cho Việt Nam cùng toàn bộ khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.

Trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững.

Đồng thời, dự án nhằm tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững.

Theo WWF, các nhà đầu tư dệt may của Trung Quốc sẽ là một trong những đối tác dự án làm việc cùng. Quốc gia này trong những năm gần đây đã gia tăng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam.

Dự án sẽ được thực hiện bởi WWF với sự hợp tác của VITAS. Các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm TPHCM, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Các đối tác nước ngoài bao gồm Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc và Hợp tác Lan Thương Mekong.

Dự án này là một phần của dự án “Thúc đẩy giảm thiểu tác động thông qua chuỗi cung ứng dệt may”, được tài trợ bởi HSBC, nhằm xanh hóa ngành dệt may tại Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.

Một công ty dệt may tại Hà Đông, Hà Nội bị bắt quả tang xả nước thải chưa xử lý ra sông Nhuệ. Ảnh: TL

Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình đạt trên 12% từ năm 2010 tới 2017. Với hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là một ngành có thể gây ra nhiều tác động lên tới môi trường. Quá trình sản xuất của ngành phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng và tạo hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.

Để giảm tác động tới môi trường và thích ứng với các điều kiện thay đổi đang diễn ra, như sự thiếu hụt 40% nguồn nước trên toàn cầu vào năm 2030 do Liên Hợp Quốc dự đoán, ngành dệt may cần phải thay đổi quy trình sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh ngành vẫn đang tiếp tục mở rộng và phát triển như hiện nay.

Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch VITAS, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ may mặc đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng ngành dệt may của chúng ta lại “nổi tiếng” nhiều hơn vì chi phí sản xuất thấp và việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế. Hiện nay, xu thế toàn cầu của khách hàng ngày càng hướng tới sự bền vững môi trường, khiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Vì vậy, nếu không thay đổi phương thức sản xuất bây giờ, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội.

L.Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hop-tac-xanh-hoa-nganh-det-may-viet-nam-16020.html