Hợp tác xã Thanh Bình: Hiệu quả từ mô hình chè sạch

Là một trong những điển hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thái Nguyên, Hợp tác xã Thanh Bình đã và đang nâng tầm chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè sạch lên một tầm cao mới.

Từ ước mơ chè sạch

Từ lâu, Thái Nguyên đã nổi tiếng với những đồi chè bạt ngàn và những thương hiệu chè được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều người vì mải chạy theo lợi nhuận mà quên đi cái tinh khiết trong từng búp chè, tạo ra nhiều sản phẩm chè chất lượng kém.

Thái Nguyên nổi tiếng với những đồi chè bạt ngàn

Thái Nguyên nổi tiếng với những đồi chè bạt ngàn

Sự thật này không chỉ là mối lo đối với người tiêu dùng mà còn là nỗi niềm canh cánh trong lòng những người nông dân lương thiện, sản xuất chè bằng cả cái tâm. Chính bởi lí do đó, một số hợp tác xã sản xuất chè đã được thành lập tại Thái Nguyên để các hộ sản xuất có thể liên kết lại với nhau, giúp phát triển sản xuất chè sạch, chống lại vấn nạn chè bẩn.

Điển hình trong số đó là hợp tác xã chè Thanh Bình (thuộc xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập từ năm 2017 và bước đầu đã đạt được những thành quả tích cực trong quá trình sản xuất.

Năm 2017, vấn nạn chè “bẩn” tràn lan trong khi những người nông dân tại xã Bình Thuận vẫn luôn cần mẫn từng ngày sản xuất những búp chè thơm và sạch. Khi ấy, giá thành chè giảm rõ rệt, việc sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm là một bài toán khó.

Người dân cứ đau đáu một nỗi niềm trong lòng rằng những búp chè mà mình làm ra vẫn luôn đảm bảo sạch và tinh khiết, ấy vậy mà “con sâu làm rầu nồi canh”, thị trường gần như dần “xa lánh” sản phẩm chè xanh trong khoảng thời gian đó.

Khó khăn và thách thức là vậy, nhưng bằng tình yêu mãnh liệt với những búp chè xanh đã gắn bó qua nhiều thế hệ, những người nông dân quyết tâm cùng nhau tìm ra một hướng đi mới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Và như thế, hợp tác xã chè Thanh Bình, tiền thân là Tổ hợp tác chè Thanh Bình đã ra đời với 14 hộ sản xuất ban đầu thuộc 2 xóm Thanh Phong và Bình Xuân, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào năm 2017.

Đến thương hiệu chè nổi tiếng

Kể từ khi thành lập, người dân trong tổ hợp tác cùng nhau học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc và chế biến chè, tham gia vào các buổi tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp do Hội Nông dân tổ chức, tiến hành lắp đặt hệ thống các máy móc thiết bị hiện đại cho việc tươi tiêu, chăm bón và chế biến ra sản phẩm chè.

Các hoạt động kiểm định chất lượng bắt đầu được tiến hành một cách bài bản, các cơ quan có thẩm quyền triển khai kiểm tra hoạt động sản xuất, cử các chuyên gia về nông nghiệp trực tiếp đến hướng dẫn cho người dân, hoạt động sản xuất mang tính tập trung hơn và không còn manh mún nhỏ lẻ như trước.

Sau 2 năm hoạt động , đến năm 2018, hợp tác xã chè Thanh Bình chính thức được thành lập, là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn xã Bình Thuận, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ông Trịnh Văn Hưng và các hộ gia đình trong hợp tác xã chè Thanh Bình nuôi ước mơ mang chè sạch đến với người tiêu dùng

Ông Trịnh Văn Hưng, Giám đốc hợp tác xã chè Thanh Bình, chia sẻ: “Ở Bình Thuận, chất lượng sản phẩm trà cũng không thua kém các đơn vị khác, tuy nhiên thương hiệu sản phẩm chưa được nâng lên, hơn nữa việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ cũng không đáp ứng được cơ chế thị trường bây giờ.

Vậy nên từ việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế là từ cây chè, từ nguyện vọng và sự đồng lòng của đại đa số bà con, chúng tôi cùng nhau hợp tác để phát triển, sau nữa là để xây dựng thương hiệu chè Thanh Bình nói riêng, hòa nhập với sản phẩm chè Thái Nguyên nói chung để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

Vào tháng 3 năm 2019, hợp tác xã đã được Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), công nhận quy trình sản xuất và chế biến chè tại hợp tác xã chè Thanh Bình được thực hiện theo đúng quy chuẩn sản xuất chè sạch và an toàn của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đây được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu của hợp tác xã chè Thanh Bình.

Quy trình sản xuất sản phẩm chè sạch theo đúng quy chuẩn được thực hiện vô cùng công phu bởi những người nông dân đã gắn bó với những búp chè tươi thơm ngát không dưới 20 năm.

Bà Nguyễn Thị Diện, thành viên hợp tác xã chè Thanh Bình có tâm sự với chúng tôi: “Việc chăm sóc chè khó như chăm một đứa trẻ vậy, phải hiểu rõ về cây chè, nắm vững các nguyên tắc, đồng thời phải dành ra rất nhiều thời gian và công sức thì mới có thể làm chè tốt được”.

Quy trình bao gồm 2 giai đoạn lớn là chăm sóc và chế biến (sao chè). Trong giai đoạn chăm sóc, người dân tại hợp tác xã chè Thanh Bình hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Họ thường cắt một số loại thực vật như dương xỉ, cỏ vừng, hoặc dùng rơm khô để rải vào giữa rạch chè, chờ cho mục ruỗng làm phân hữu cơ. Ngoài ra, người dân còn sử dụng phân chuồng để cung cấp thêm dưỡng chất cho đất, búp chè cũng vì thế mà tươi non mỡ màng hơn. Hệ thống tưới tiêu được lắp đặt và vận dụng tối đa để cung cấp đủ nước cho cây chè sinh trưởng và phát triển.

Trong trường hợp cây chè bị tấn công bởi một số loại sâu bệnh hoặc mắc phải các bệnh do vi khuẩn, vi sinh vật có hại, người dân sẽ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học là những chế phẩm có nguồn gốc sinh học, được làm từ những nguyên liệu rất dễ kiếm như gừng, tỏi, ớt, xả, các loại lá, các chủng nấm vi sinh… có hiệu quả cao trong việc phòng trừ các loại sâu bệnh nhưng lại rất an toàn với sức khỏe con người và môi trường đất, sau đó cách ly theo đúng quy định.

Giai đoạn chế biến (sao chè) được xem như một trong những loại hình nghệ thuật mà người sao chè chính là những nghệ nhân. Tại hợp tác xã Chè Thanh Bình, người dân sử dụng củi khô để tạo nên hương vị tốt nhất cho chè, lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Việc điều chỉnh nhiệt độ trong bếp chè phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để búp chè thơm và đẹp nhất.

Giai đoạn sao chè gồm 4 giai đoạn. Trước tiên, sau khi hái cần để cho chè héo nhẹ trong khoảng từ 4-6 tiếng để giảm lượng nước trong búp chè. Bước thứ 2 được gọi là ốp diệt men, sử dụng nhiệt độ cao để phá hủy hệ thống enzym có trong nguyên liệu chè, đình chỉ sự oxy hóa các chất, nhất là tanin, giữ màu xanh tự nhiên và vị chát của chè.

Sau khi diệt men cần phải để cho chè nguội để tiến hành vò và rũ tơi, đây chính là bước thứ 3. Vò để làm dập tế bào của lá làm dịch chè thoát ra bề mặt để sau khi sấy sẽ làm cho cánh chè bóng hơn và sau khi pha nước, dịch chè chuyển vào nước pha dễ dàng hơn, nhưng sau đó phải sàng, rũ tơi để tránh cho chè khỏi vón cục, đồng thời giúp làm nguội chè, tránh quá trình oxy hóa có thể xảy ra. Cuối cùng, bước thứ 4 là sao khô giúp vừa làm giảm lượng nước trong búp chè vừa làm cho búp chè xoăn chặt, có ngoại hình đẹp và hương thơm dễ chịu.

Bà Dương Thị Hợp, thành viên hợp tác xã chè Thanh Bình nói: “Vì làm lâu năm rồi nên nghe tiếng chè chuyển động tôn quay là có thể cảm nhận được chè đã tới hay chưa. Làm chè là phải thật sự chú tâm, để chè có thể dậy hương thì phải điều tiết được nhiệt độ trong bếp một cách liên tục, chè mà bị “đói lửa” thì cũng không ngon, mà “già lửa” một chút là sẽ cháy hoặc mất hương ngay”.

Hiện nay hợp tác xã chè Thanh Bình gồm có 23 hộ sản xuất với tổng diện tích đất canh tác là 7.54 hecta, với sản lượng chè thu hoạch khoảng 98.2 tấn chè búp tươi trong một năm (tương đương với 19.6 tấn chè khô trong một năm). Giá thành không còn bấp bênh hoặc bị ép giá xuống thấp.

Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng phần nào được giải quyết một cách ổn định hơn, thay vì chờ thương lái đến thu mua, người dân chủ động tìm đến các nhà máy, các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn, hợp tác lâu dài trên cơ sở ký kết các hợp đồng thu mua sản phẩm Nông nghiệp.

Làm chè bằng cả cái tâm và với một cái tầm của thời đại mới, những người nông dân đang dần trở thành những người làm kinh tế giỏi khi luôn luôn chủ động hội nhập kinh tế thị trường, không để mình bị tụt hậu so với thời đại.

Với một định hướng phát triển rõ ràng và một nền tảng vững chắc về chất lượng sản phẩm hiện có, trong tương lai, hợp tác xã chè Thanh Bình hi vọng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên nói riêng và thương hiệu trà Việt Nam nói chung lên tầm quốc tế.

Linh Nắng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hop-tac-xa-thanh-binh-hieu-qua-tu-mo-hinh-che-sach-97459.html