Hợp tác với nước ngoài… nâng tầm phim Việt

TGTTO Dự án 'Thiên đường' (Paradise) của LNK Group hợp tác với Hàn Quốc, có sự tham gia của ê-kíp đến từ nhiều nước Hàn Quốc, Bỉ, Việt Nam… vừa bấm máy. Bộ phim 'Mỹ nhân thần sách' - sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ công chiếu vào đầu tháng 11 tới. Đây chỉ là hai trong số những dự án của xu thế hợp tác với quốc tế đang được đẩy mạnh của điện ảnh Việt.

Trước sự cạnh tranh của thị trường điện ảnh trong nước ngày càng gay gắt, cộng với nhân lực thiếu thốn và mục đích nhắm tới việc phát hành phim ở cả thị trường nước ngoài, hoặc tham dự các liên hoan phim…việc hợp tác với cá nhân và công ty nước ngoài đang được chú trọng.

Không khó để bắt gặp những cái tên nước ngoài trong ê-kíp đoàn phim Tấm Cám - Chuyện bây giờ mới kể!, Hương Ga, Lôi báo, Sắc đẹp ngàn cân, Vệ sĩ Sài Gòn, Cô hầu gái… với các chức danh như đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, kỹ xảo, dựng phim…

Phim hợp tác “hai bên cùng có lợi” - nghĩa là cùng bỏ vốn đầu tư, có thể kể khá nhiều, từ Để Mai tính 2 (Việt Nam - Hàn Quốc), Em là bà nội của anh (Việt Nam- Hàn Quốc), Fan cuồng, Truy sát (Việt Nam - Hàn Quốc) và gần đây có Sám hối (Việt Nam - Ấn Độ), Twilight zodiac - Đêm hoàng đạo (Việt Nam - Mỹ), Girls 2 - Những cô gái và găng tơ (Việt Nam - Hong Kong), Bí mật đảo Linh xà, Ảo ảnh,Tình xuyên biên giới (Việt Nam và Hong Kong), E-Book và Angel’s Face (Việt Nam - Pháp), Thiên đường (Việt Nam - Hàn Quốc), Mỹ nhân thần sách (Việt Nam - Thái Lan), Lala: Hãy để em yêu anh ( Việt Nam - Hàn Quốc), Hồn papa da con gái (Việt Nam - Hàn Quốc), Trường học bá vương (Việt Nam - Hàn Quốc), Song Lang (Việt Nam - Hàn Quốc). Ngoài ra, còn có một số dự án khác chưa công bố cụ thể, được hợp tác với các nhà đầu tư và sản xuất đến từ Nga, Thụy Điển, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc…

Một phân cảnh của phim "Trường học bá vương"

Có thể thấy, công nghiệp điện ảnh rất cần sự xúc tiến đầu tư thương mại, hợp tác, trao đổi nhân lực, kỹ thuật với nước ngoài để có được những bộ phim chất lượng được đón nhận trong nước và trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thực tế phát triển của công nghiệp điện ảnh thế giới cho thấy, hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ không chỉ mang lại cho mỗi bên lợi ích về kinh tế, mà còn có thể là “cú hích” tạo cơ hội việc làm, thu hút đầu tư cho du lịch, dịch vụ văn hóa, đồng thời đội ngũ làm phim sở tại được học hỏi, rèn luyện và đào tạo miễn phí. Đây là xu hướng đã và đang góp phần tạo nên thành công của nhiều nền điện ảnh trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan... Với doanh thu phòng vé tăng từ 20 - 25% mỗi năm.

Theo nhà sản xuất của phim Mỹ nhân thần sách, việc hợp tác mang đến nhiều cơ hội học hỏi từ ê kíp Thái Lan về phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Đặc biệt, phương tiện, thiết bị làm phim của quốc tế rất hiện đại, giúp ích nhiều cho các nhà làm phim Việt khi hợp tác sản xuất. Từ đó, nhiều bộ phim Việt sẽ có cơ hội được nâng cấp về chất lượng và ê kíp trong nước cũng học hỏi được công nghệ và những kỹ xảo điện ảnh hiện đại. Hợp tác cũng là cách để phát huy tốt nhất thế mạnh của mỗi bên. Tất nhiên, muốn làm việc với quốc tế, thì với đội ngũ làm phim trong nước cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chuyên môn giỏi. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt phát triển chuyên nghiệp hơn.

Cũng nhờ có sự hợp tác mà các bộ phim như Fan cuồng hay Truy sát, Em là bà nội của anh đã có được mức kinh phí lên tới 20 tỷ đồng, được đầu tư các chiến dịch PR và quảng bá với suất chiếu đặc biệt, showcase (khoe phim), đại tiệc giao lưu cinetour, concert film… rất ấn tượng. Từ đó, nhiều dự án phim nội địa đã mạnh dạn học hỏi cách thức PR và tiếp thị hiệu quả của các bộ phim này. Cũng nhờ có sự hợp tác mà nhiều bộ phim gắn mác “made in Việt” đã có thể xuất khẩu ra thế giới, tham dự các liên hoan phim quốc tế… Như ở thời điểm này, Song Lang đang đại diện cho Điện ảnh Việt Nam dự tranh hai giải thưởng Phim châu Á xuất sắc và Tinh thần châu Á trong khuôn khổ Asian Future của Liên hoan phim Quốc tế Tokyo. Mỹ nhân thần sách là phim hợp tác đầu tiên có hai phiên bản riêng biệt được lồng tiếng Việt và Thái, để được phát hành cùng thời điểm tại hai nước với sự trợ giúp của GMM - Công ty giải trí truyền thông lớn nhất tại Thái Lan.

Phim "Fan cuồng"

Bên cạnh những điểm cộng kể trên, phim hợp tác hay có yếu tố người nước ngoài sản xuất trong thời gian qua chưa có nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng, hay thành công về doanh thu. Về doanh thu chỉ có Để Mai tính 2, Em là bà nội của anh lọt vào Top 5 Phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Trong khi, Fan cuồng Truy sát từng được xem là “bom tấn” với kinh phí trên 20 tỷ đồng, chiến dịch tiếp thị rất kỳ công, cùng với ê kíp làm phim tên tuổi thì lại “ngã ngựa” về doanh thu.

Có khá nhiều phim hợp tác từng được xếp vào danh sách “thảm họa phim Việt”. Bởi không phải cứ có yếu tố ngoại là phim nào cũng được đầu tư chỉn chu. Đã có những nhà sản xuất Việt thiếu kinh nghiệm, tiềm lực yếu, uy tín còn non nhưng nôn nóng muốn nâng đẳng cấp, nên “liều” bắt tay hợp tác với đối tác cũng chỉ ngang tầm, dẫn đến sản phẩm “ra lò” ở thế chơi vơi từ kịch bản đến diễn xuất, dàn dựng… Một số cái tên như thế có thể kể là Lọ lem Sài Gòn (hợp tác cùng Hàn Quốc), Ranh giới trắng đen (hợp tác Indonesia), Girls 2: Những cô gái và găng tơ ( hợp tác Hong Kong). Không thu được vốn đầu tư, hoặc tiếng tăm như kỳ vọng, nên cơ hội để tiếp tục hợp tác cũng trôi theo sự sàng lọc của thị trường. Có một điều nữa là xu hướng “remake” (làm lại) mấy năm gần đây cũng ảnh hưởng lớn từ phim hợp tác. Khá nhiều phim hợp tác như Sắc đẹp ngàn cân, Em là bà nội của anh, Mỹ nhân thần sách… là phim “remake”, và Em là bà nội của anh thắng lớn về doanh thu vào cuối năm 2015 đã trở thành một động lực khiến hàng loạt phim “remake” theo nhau “ra lò”.

Ca sĩ Miu Lê trong phim "Em là bà nội của anh"

Dù vậy, cơ hội hợp tác đã mở và ngày càng phát triển theo chiều sâu. Thông qua đó, phim điện ảnh Việt được từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tăng kinh phí sản xuất, nâng cao chất lượng tác phẩm và khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường phát hành ra thế giới. Nói như nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân - người có nhiều cơ hội và kinh nghiệm hợp tác làm phim với nước ngoài thì “hợp tác sẽ giúp điện ảnh Việt tiến gần đến quỹ đạo phát triển chung của điện ảnh thế giới”.

PHÚC GIA KHANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hop-tac-voi-nuoc-ngoai%E2%80%A6-nang-tam-phim-viet-14923.html