Hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

'Các nhà trường, Viện cần liên kết với nhau để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021 - 2015', Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nói.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mai Chiến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mai Chiến.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN-PTNT đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp về đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức; trong đó nhiều văn bản quan trọng, có tính đột phá để thực hiện đổi mới quản lý đối với cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Những năm qua, các trường đã có sự điều chỉnh ngành nghề đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, cơ cấu tuyển sinh theo hướng phù hợp với nhu cầu sử dụng và dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Phát biểu tại Hội nghị “Công tác đào tạo năm 2020” diễn ra tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô vào sáng nay (19/10), Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay: Bộ NN-PTNT là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, vì vậy hệ thống giáo dục và đào tạo trong Bộ rất đa dạng.

Hệ thống Viện cũng rất lớn với nhiều giáo sư, tiến sĩ. Mỗi một Viện đã có chức năng đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu đào tạo sau đại học đang có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống các trường trực thuộc Bộ đối với ngành nông nghiệp… “Hầu hết các cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, cán bộ ở nhiều địa phương đều tốt nghiệp và trưởng thành từ các trường trực thuộc của Bộ”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay hệ thống trường nghề đã đào tạo một nguồn lao động đa dạng, không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà chung cho cả phát triển khu vực kinh tế nông thôn. Rất nhiều trường đã có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội.

“Hiện nay, Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT rất quan tâm đến đào tạo nguồn lực cho ngành, Ban cán sự đã có Nghị quyết riêng, sẽ đầu tư mạnh nâng cao nhân lực cho cả hệ thống. Từ đó các chủ trương trung hạn, các chủ trương về tăng cường nhân lực được thực hiện”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ thêm.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Chiến.

Nhiều năm qua, các trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ NN-PTNT đã chủ động mở rộng và kí kết hợp tác, đào tạo, nghiên cứu và trao đổi học thuật mới với các đối tác quốc tế, với các doanh nghiệp với mục đích mang hơi thở mới vào việc phát triển nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay, Nhà trường đã đẩy mạnh chiến lược hợp tác quốc tế. Đến nay, mạng lưới hợp tác quốc tế được phủ sóng rộng. Nhà trường đang tiếp tục duy trì và củng cố các hợp tác đã có với các nước và tổ chức quốc tế, đặt biệt là Nhật Bản, New Zealand, Nga và các nước Đông Âu cũ, Hà Lan, Ý…

Bên cạnh đó, mở rộng các đối tác mới như ADB, Australia, Ấn Độ… Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, số lượng đối tác quốc tế tăng nhanh chóng, đã có gần 700 MOU đã được kí kết trong giai đoạn này.

Riêng lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhà trường tiếp tục phát triển các hợp tác về đào tạo với các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Kết nối với các trường ở Đông Âu, đặc biệt mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài trong đào tạo, giúp sinh viên có kỹ năng hội nhập với môi trường làm việc quốc tế.

“Nhà trường đang tích cực tham gia các mạng lưới vùng, các hiệp hội chuyên môn quốc tế. Hiện nay, trường đã kí kết với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho sinh viên có thêm môi trường thực tập, thực hành và tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Trong đó, điển hình là các doanh nghiệp như FECON, LICOGI 16, ACC, DNP…”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi nói thêm.

Ngoài việc hợp tác quốc tế thì việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng đã đem lại nhiều lợi ích. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, hợp tác với doanh nghiệp sẽ giải quyết được các khâu trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp tham gia vào việc tư vấn, định hướng cho thí sinh; doanh nghiệp tham gia vào việc chỉnh sửa và xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với công nghệ, xã hội của chính doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chúc mừng các trường đã giành kết quả cao trong Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11/2020. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Ngọc, sợi dây liên kết rộng rãi với doanh nghiệp đã giúp Nhà trường thường xuyên định hướng lại chương trình đào tạo thông qua việc cập nhật các tiêu chuẩn, đồng thời có cơ sở định hướng đầu tư phát triển các thiết bị, máy móc trong nhà trường.

Khi doanh nghiệp tham gia đào tạo thì việc đưa công nghệ của doanh nghiệp vào nhà trường rất thuận lợi. Giữa nhà trường với doanh nghiệp, mỗi bên đào tạo một nửa. Khi hợp tác ở mức độ cao, sâu như vậy thì việc giải quyết việc làm sẽ đạt 100%.

“Việc nhà trường hợp tác với doanh nghiều ở nhiều cấp độ khác nhau được coi là sợi chỉ đỏ, là con đường duy nhất để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Ngọc khẳng định.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) nói thêm, với sự phát triển của nền kinh tế xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đang được đánh giá là một hướng đi mang lại hiệu quả cho cả 2 bên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã coi việc gắn kết đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu của sự tồn tại và phát triển của các trường…

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hop-tac-voi-doanh-nghiep-de-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-d275542.html