Hợp tác Việt - Hàn trong ngành công nghiệp robot: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon, Panasonic… và rất nhiều sản phẩm phục vụ tự động hóa và robot. Việc tìm kiếm và kiến tạo hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa chính là cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 'tiến sâu' hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại. Hiện Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và dành ưu tiên hàng đầu cho cuộc cách mạng 4.0. Theo đó, nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng. Kết quả là việc ứng dụng robot trong môi trường công nghiệp của Việt Nam gần đây đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo Liên đoàn Robot học quốc tế, vào năm 2017, đã có 8.252 sản phẩm robot được bán tại Việt Nam, vượt qua các nước Singapore (4.500 robot), Thái Lan (3.400 robot) và trở thành thị trường robot lớn thứ 7 trên thế giới.

Ông Lee Hyuk - Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc - kỳ vọng, năng lực công nghệ và kinh nghiệm phong phú của Hàn Quốc nếu được chắp nối tại môi trường công nghiệp của Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp cho Tập đoàn lớn như: Samsung, Canon, Panasonic… và sản xuất nhiều chi tiết, phụ tùng, linh kiện dùng công nghệ cao, phục vụ tự động hóa và robot. Mặc dù đã đạt nhiều bước phát triển trong thời gian qua nhưng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất và linh kiện/phụ tùng vốn là nền tảng để phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn nguyên liệu sản xuất và linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài.

Lý giải nguyên nhân này, ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn chủ yếu vẫn là tiếp cận về vốn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là cơ chế, chính sách còn vướng mắc, chưa đồng bộ, vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-viet-han-trong-nganh-cong-nghiep-robot-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-119992.html