Hợp tác vận hành Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, Tổng cục sẽ cố gắng hết sức để vận hành và duy trì Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á một cách hiệu quả, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai...

Đại diện Tổng cục KTTV và Tổ chức Khí tượng Thế giới tại Lễ ký kết. Ảnh: TL

Đại diện Tổng cục KTTV và Tổ chức Khí tượng Thế giới tại Lễ ký kết. Ảnh: TL

Ngày 8/8, tại Thụy Sĩ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á

Phát biểu tại lễ ký kết, GS TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, lũ quét cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người và gây thiệt hại lớn về tài sản mỗi năm, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất diễn ra với cường độ, tần suất cao hơn và khó dự báo hơn.

Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp.

Sau 6 năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực vượt bậc, hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét ở Đông Nam Á đã chính thức được thành lập theo tuyên bố của Ban thư ký WMO, 4 nước Đông Nam Á và Công ty HRC trong sự kiện do Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tổ chức vào ngày 28/6/2022 tại Hà Nội.

“Trong sự kiện này, chúng tôi cũng rất tự hào thông báo với các cơ quan giảm nhẹ rủi ro thiên tai toàn cầu và các thành viên quốc gia của WMO rằng Đông Nam Á đã sở hữu một hệ thống rất toàn diện, sẽ giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động, đo đạc địa hình nhằm cung cấp cho người dự báo thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả”, GS TS Trần Hồng Thái cho biết.

Theo GS TS Trần Hồng Thái, với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, Tổng cục KTTV sẽ cố gắng hết sức để vận hành và duy trì Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) một cách hiệu quả, để cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực.

Tại lễ ký kết, ông Peteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, đã mời GS. TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục KTTV và các chuyên gia của cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đến trụ sở WMO tại Geneva, Thụy Sĩ để tham gia lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) để giao Tổng cục KTTV là Trung tâm Khu vực SEAFFGS.

Biên bản ghi nhớ tạo thành khuôn khổ, trong đó các Bên sẽ cộng tác và hợp tác trong dự án SEAFFGS liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dự báo khu vực của Tổng cục KTTV cho Trung tâm Khu vực SEAFFGS.

SEAFFGS được phát triển trong khuôn khổ dự án “Xây dựng khả năng ứng phó với các sự kiện khí tượng thủy văn có tác động lớn thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa (MHEWS) ở các quốc đảo đang phát triển(SIDS) và Đông Nam Á (SEA)”, do Chính phủ Canada tài trợ (Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada - ECCC), được phát động vào ngày 28/6/2022, tại Việt Nam. Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam sẽ là Trung tâm Khu vực SEAFFGS./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/hop-tac-van-hanh-he-thong-ho-tro-canh-bao-lu-quet-khu-vuc-dong-nam-a-616956.html