Hợp tác trong lĩnh vực sân khấu: Bắt tay vì sự phát triển

Thời gian gần đây hàng loạt vở diễn sân khấu có sự hợp tác giữa nhà hát, đơn vị trong nước với quốc tế đã ra mắt khán giả. Đây được xem là những cái 'bắt tay' giúp nghệ thuật sân khấu Việt tìm lại được vị thế vốn có trong bối cảnh nghệ thuật giải trí bùng nổ như hiện nay.

Vở tuồng “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” được hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.

Giải cơn khát kịch bản

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore, Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”. Vở tuồng được xây dựng theo kịch bản “Bukit Marad” của Singapore và dựa trên kịch bản của tác giả Chua Soo Pong. Trước đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã công diễn vở diễn “Dưới bóng đa huyền thoại” do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản tuồng từ ý tưởng kịch bản văn học “Ngôi đền ma ám” của đạo diễn Chua Soo Pong. Đây cũng là tác phẩm đã được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật và cũng đã được biểu diễn tại nhiều nhà hát ở Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Vương quốc Anh... Đây không phải lần đầu tiên các nhà hát trong nước hợp tác với nước ngoài tạo được tiếng vang.

Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế đã diễn ra khá phổ biến và thường xuyên đối với một số đơn vị nghệ thuật ở Trung ương như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam… Trong đó, tiên phong trong việc “bắt tay” với nước ngoài phải kể đến Nhà Tuổi trẻ với hàng loạt các vở diễn liên kết.

Đơn cử như vở kịch nói nổi tiếng “Bến bờ xa lắc” (kịch bản Lê Thu Hạnh; đạo diễn NSND Xuân Huyền). Đây là vở diễn do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đoàn kịch Jigeum - Hàn Quốc dựng 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Hàn. Hay trước đó là chương trình phối hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp) đã dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Con chim xanh” của tác giả Maurice Maeterlinck, đạo diễn Xavier Lukowski (người Bỉ). Vở kịch sau khi công diễn đã tạo ra nhiều dấu ấn với các khán giả trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi…

Có thể thấy, việc liên kết giữa các đơn vị trong nước với quốc tế trong thời gian qua đang “cứu” ngành sân khấu Việt Nam. Bởi thực tế, trong nhiều năm qua sân khấu Việt Nam đang báo động về việc thiếu các kịch bản sân khấu chất lượng.

Trong khi, các vở diễn hợp tác kể trên kết quả thu lại là các suất diễn đều kín khán giả và được người xem yêu thích, đón nhận. Thậm chí, như nghệ thuật tuồng vốn khá “kén khán giả” sau khi có sự liên kết có “yếu tố nước ngoài” đã thu hút được một số lượng khán giả trẻ đến thưởng thức. Trong đó, phải ghi nhận điểm thành công lớn nhất của vở diễn chính là cốt truyện gần với tư duy của lớp trẻ cũng như tư duy của thời hiện đại.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam cho rằng: “Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển”.

Theo ông Thọ, sân khấu Việt Nam thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp, cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu chúng ta không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao. Bên cạnh đó, nghệ thuật sân khấu còn tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo định hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống như kịch kinh dị, sex, sân khấu ma. Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ. Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh tồn tại.

Thu hẹp khoảng cách

Tuy nhiên, bên cạnh việc liên kết để có được những kịch bản tốt qua đó có được những tác phẩm hay để phục vụ khán giả thì hiện nay câu chuyện hợp tác quốc tế vẫn chỉ dừng lại ở một nhà hát “tiêu biểu”. Trong khi đó với những đơn vị nghệ thuật ở địa phương, hoạt động giao lưu, biểu diễn ở trong nước “đã khó” chứ chưa “dám mơ” đến việc liên kết với nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ nếu để cạnh tranh chất lượng với đơn vị nghệ thuật ở trung ương và thành phố lớn thì các đơn vị ở địa phương ít có cơ hội vượt lên.

Để làm được việc này, thực tế bên cạnh chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước còn cần đến sự nỗ lực của mỗi nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đơn vị. Bởi chính việc thông qua giao lưu văn hóa, các đơn vị nghệ thuật cũng có thể tiếp nhận thêm kiến thức nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ liên doanh, liên kết, đặc biệt là quảng bá văn hóa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.

NSND Nguyễn Anh Tú- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Những bất cập và khó khăn khi thực hiện các vở diễn đó chính là vấn đề tìm kịch bản thật hay, sau đó là kinh phí để dàn dựng”. Theo ông Tú, năm nay kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, hiện nhà hát đã bắt tay với đạo diễn người Singapore dựng vở “Hồng Lâu Mộng”.

Gần đây, nhân kỷ niệm quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, khi hợp tác với Nhật sẽ có một tổ đạo diễn, biên đạo người Nhật sang tập huấn cho diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đợt tập huấn này sẽ bắt tay thực hiện vở ngắn chủ yếu về ngôn ngữ hình thể. Điều này sẽ rất tốt vì giúp vượt qua được rào cản tiếng mẹ đẻ và có cơ hội hơn cho diễn viên mở rộng tầm mắt, tiếp thu, học hỏi các kỹ năng của bạn bè thế giới.

NSND Anh Tú phân tích, công nghệ đang len lỏi vào nhiều ngành nghề trong xã hội không chỉ riêng với ngành nghệ thuật. Tuy nhiên nhờ những thành tựu của công nghệ vào thực tiễn như âm nhạc số, biểu diễn sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại... đã giúp cho ngành này được phát triển.

Nhưng còn một yếu tố rất quan trọng là nhân tố con người, những nghệ sĩ đảm nhận vai diễn thì việc có công nghệ hỗ trợ chỉ là phần nào mà tài năng, sự khổ luyện, sự hóa thân cho nhân vật khi trình diễn mới là điều quan trọng và chính là yếu tố tạo nên sự thành công của vở diễn. “Khi chúng ta có tài năng thì công nghệ sẽ bổ trợ cho nghệ thuật được thăng hoa”- ông Tú khẳng định.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hau-truong/hop-tac-trong-linh-vuc-san-khau-bat-tay-vi-su-phat-trien-tintuc411999