Hợp tác quốc tế về biên phòng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Thực hiện định hướng chiến lược 'Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế' được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, cùng các định hướng hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh trong 'Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030' của Chính phủ, trong những năm qua, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, địa phương có biên giới đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện công tác đối ngoại biên phòng. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể về hợp tác quốc tế về biên phòng với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác với địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp và Đồn Công an bảo vệ biên giới Bontiachaccray, Tiểu đoàn Công an bảo vệ biên giới 607, Ty Công an tỉnh Prey Veng, Campuchia phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Danh Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp và Đồn Công an bảo vệ biên giới Bontiachaccray, Tiểu đoàn Công an bảo vệ biên giới 607, Ty Công an tỉnh Prey Veng, Campuchia phối hợp tuần tra song phương. Ảnh: Danh Anh

Khu vực biên giới là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ là điều kiện, cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các mối quan hệ quốc tế, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển. Tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực có sự thay đổi nhanh chóng, ngày càng diễn biến phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao; mua bán, vận chuyển ma túy, vũ khí; mua bán người. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội trên khu vực biên giới.

Những vấn đề này đặt ra cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo những nhiệm vụ mới. Trong đó, tăng cường hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Hợp tác quốc tế về biên phòng đã được quy định tại Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam với những nội dung cụ thể: Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền và nhân dân, lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới và các quốc gia, tổ chức quốc tế; xây dựng và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng, cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật; đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu.

Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam cũng quy định về hợp tác tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, hợp tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Ngoài những quy định về nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng, tại khoản 6, Điều 14, Luật Biên phòng Việt Nam quy định: BĐBP có nhiệm vụ thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Khoản 8, Điều 15 quy định: BĐBP có quyền hạn quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Những quy định cụ thể tại Luật Biên phòng Việt Nam thực sự là “kim chỉ nam” để các bộ, ngành, địa phương có biên giới tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách hợp tác biên phòng. Đặc biệt, giúp Bộ Tư lệnh BĐBP chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng các biện pháp tăng cường đối ngoại biên phòng, tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện ngoại giao nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ổn định, bền vững lâu dài.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị hỗ trợ gạo cho Bộ Chỉ huy Quân sự và Ty An ninh tỉnh Savannakhet, Lào để khắc phục hậu quả bão lụt. Ảnh: Minh Khánh

Chỉ ra những tác động tích cực của quy định hợp tác quốc tế về biên phòng, đại biểu Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang cho biết: Với những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn trong hợp tác quốc tế về biên phòng, lực lượng BĐBP sẽ chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thông qua công tác đối ngoại biên phòng tiếp tục xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới. Đồng thời, trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, kịp thời ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc xảy ra trên các tuyến biên giới. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”, đưa quan hệ giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam và các nước láng giềng lên tầm cao mới, ngày càng sâu sắc và thực chất.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể hợp tác quốc tế về biên phòng đã cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, phát triển hợp tác với các nước láng giềng trên các mặt, giữ gìn đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, bảo đảm trật tự khu vực biên giới, tạo thuận lợi cho việc hợp tác xuyên biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có biên giới cũng như cả nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về quản lý biên giới theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tăng cường hợp tác trong phòng, chống và đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới; ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên khu vực biên giới...

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hop-tac-quoc-te-ve-bien-phong-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-quan-trong-gop-phan-xay-dung-bien-gioi-hoa-binh-huu-nghi-post435349.html