Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông

Ngày 16-1, tại Hà Nội, đã diễn ra Đối thoại Biển lần thứ tư với chủ đề 'Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông'. Đối thoại do Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức.

Tham dự đối thoại có 4 diễn giả quốc tế và Việt Nam: GS. Carmen Ablan Lagman (Đại học De La Salle, Philippines), TS. Julyus Melvin Mobilik (Bộ Biển Malaysia), TS. Nguyễn Lê Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam), ông Gilang Kembara (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Indonesia). TS. Hà Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao điều phối buổi đối thoại.

Hiện nay, rác thải nhựa đang là một vấn đề lớn. Theo báo cáo của LHQ, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rất nhiều rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Các diễn giả tham dự đối thoại.

Phát biểu khai mạc đối thoại, bà Stacey Nation, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề rác thải nhựa nếu không có sự hợp tác với nhau. Trên toàn cầu, nguồn rác thải nhựa hiện nay chủ yếu xuất phát từ những quốc gia đang phát triển. Những quốc gia này có nhu cầu lớn về tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa, nhưng năng lực xử lý các chất thải đó chưa được phát triển tương xứng. Bà Stacey Nation hy vọng buổi đối thoại sẽ đem lại cái nhìn đa chiều về vấn đề rác thải nhựa, đề xuất các sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa cũng như hợp tác khu vực nhằm giải quyết tình trạng này.

GS. Carmen Ablan Lagman cho rằng đa dạng sinh học hiện nay đang chịu tác động của ô nhiễm môi trường, đặc biệt do các chất thải nhựa gây ra. Các chất thải nhựa có thể tồn tại ít nhất 100 năm và khi phân hủy chúng tạo ra nhiều chất gây nguy hiểm cho các loài sinh vật cũng như con người. GS. Carmen Ablan Lagman cảnh báo mối đe dọa đến từ hạt và sợi vi nhựa mà con người không thể nhìn thấy bằng mắt. Theo bà, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới hơn 90% nguồn nước chúng ta sử dụng hiện nay có chứa sợi nhựa. Tỷ lệ ô nhiễm chất thải nhựa tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong việc xử lý vấn nạn rác thải nhựa, TS. Nguyễn Lê Tuấn cho biết hiện Việt Nam có 2 luật liên quan tới chất thải nhựa ở đại dương bao gồm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Từ năm 2008, Việt Nam đã xây dựng khung chính sách xử lý vấn đề chất thải nhựa ở đại dương. Bảo vệ môi trường biển, phục hồi hệ sinh thái biển cũng được xác định là một trong những mục tiêu, chủ trương lớn trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Hiện Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Trong khi đó, ông Gilang Kembara chia sẻ chính quyền đảo Bali, Indonesia đã bắt đầu cấm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, hướng các nhà sản xuất, hộ kinh doanh và người dân chuyển sang dùng các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Tại đối thoại, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng vấn đề rác thải nhựa hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả các quốc gia trong khu vực cần phối hợp chia sẻ thông tin về vấn đề rác thải nhựa hiện nay, đồng thời lập kế hoạch hành động tương thích với nguồn lực tài chính của mỗi quốc gia, có các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân vấn đề này...

Tin, ảnh: NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hop-tac-quoc-te-giai-quyet-van-nan-rac-thai-nhua-o-bien-dong-560649