Hợp tác quản lý để 'Homestay' phát triển bền vững

Sự nở rộ dịch vụ lưu trú du lịch 'Homestay' trong khi pháp luật kinh doanh loại hình này chưa thực sự hoàn thiện dễ dẫn đến biến tướng với nhiều hệ lụy kèm theo. Nếu không có những giải pháp kịp thời và cụ thể thì dịch vụ này khó có thể phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bộc lộ nhiều bất cập

Điển hình cho tốc độ phát triển chóng mặt loại hình lưu trú du lịch “Homestay” tại Việt Nam chính là tỉnh Quảng Nam. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 400 “Homestay” cung ứng trên 1.200 phòng nghỉ, tập trung chủ yếu tại thành phố Hội An.

Vậy nhưng, chính tốc độ tăng trưởng “nóng” của “Homestay” cũng như nhận thức chưa đúng về loại hình lưu trú này của người dân đã khiến cho chính quyền địa phương nơi đây cảm thấy lo lắng.

"Homestay" kiểu nhà sàn thu hút khách du lịch.

"Homestay" kiểu nhà sàn thu hút khách du lịch.

Sự phát triển loại hình “Homestay” tại Quảng Nam đang bộc lộ nhiều bất cập trong khâu quản lý. Cụ thể là một số quy định, quy chế quản lý được điều chỉnh làm mất đi đặc trưng của “Homestay”.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định số 3267/QĐ-UBND về việc sửa đổi một số nội dung quy chế (có từ năm 2017) quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) trên địa bàn tỉnh.

“Homestay” nên gắn với sản phẩm địa phương

Hiện nay, nhiều người dân, du khách chưa hiểu đúng về “Homestay” khi nghĩ đó chỉ là một loại hình lưu trú đơn thuần. Thậm chí, nhiều nơi còn đang hiểu Villa và “Homestay” đều là một, không có sự khác biệt nhau.

Thực ra, “Homestay” thường được đưa về các vùng ven, nơi gắn liền với các đặc trưng của vùng nông thôn như nông nghiệp, nghề mộc, nơi có nhiều sản phẩm ở địa phương… để du khách có thể trải nghiệm các hoạt động cũng như tìm hiểu về văn hóa, con người tại vùng đất đó.

Theo đó, nội dung sửa đổi tập trung vào các điều kiện kinh doanh loại hình này (điều 3, chương 2). Quy chế hiện chỉ còn yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách theo quy định.

Với các tiêu chuẩn “Homestay”, quy chế này quy định thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”.

Điều này khiến cho nhiều tiêu chí mang đặc trưng riêng của “Homestay” không phải là bắt buộc, mà chỉ là tiêu chí theo kiểu khuyến khích. Đơn cử như việc chủ kinh doanh homestay có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh. Hộ gia đình phải đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có từ 2 thế hệ cùng sinh sống.

“Homestay” thường được đưa về các vùng ven, nơi gắn liền với các đặc trưng của vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, nhà phải được xây dựng đảm bảo theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương.

Những tiêu chí khác thuộc nhóm khuyến khích gồm: Nhà có không quá 5 phòng và một phòng không quá 4 người hay người phục vụ được tập huấn về các kỹ năng liên quan đến phục vụ khách du lịch như giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sơ cứu cơ bản, an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm….

Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

Ngoài ra, chủ nhà cũng như người phục vụ phải có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác….

Sự bất cập trong công tác quản lý đã khiến “Homestay” tại một số điểm du lịch mới chỉ dừng lại là một cơ sở lưu trú du lịch đơn lẻ. Điều này khiến chất lượng dịch vụ không đảm bảo như các cơ sở chuyên nghiệp và không đáp ứng được nhu cầu khám phá văn hóa bản địa của khách du lịch.

Du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động cũng như tìm hiểu về văn hóa, con người tại vùng đất đó.

Hợp tác quản lý

Theo quan điểm của các cơ quan quản lý, để phát triển du lịch một cách bền vững cần phát huy tối đa nguồn lực đồng bộ của các tổ chức, cá nhân. Cả hai loại hình lưu trú “Homestay” hay “House stay” đều được hoan nghênh nếu có sự đóng góp tốt vào bức tranh đa sắc màu của ngành du lịch.

Đánh giá về các loại hình lưu trú du lịch trên, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô, cho rằng, phần lớn “Homestay” hiện nay thiếu sự quản lý tập trung và theo hướng chuyên nghiệp. Nó mới chỉ mang tính tự phát nên giá phòng dù rẻ nhưng lại không có chất lượng dịch vụ tốt cho khách du lịch.

Hướng tới tiêu chuẩn chung nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê

Hiện nay, các nước ASEAN đã thống nhất xây dựng tiêu chuẩn chung của các nước ASEAN. Mặc dù tiêu chuẩn ASEAN không mang tính chất bắt buộc áp dụng thực hiện, nhưng để hội nhập trong khu vực thì phải hướng tới tiêu chuẩn chung trong khu vực, cần thiết có sự hài hòa hóa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của các nước trên thế giới và khu vực.

Vậy nên, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Nó không chỉ đáp ứng về nơi ở mà còn phải đáp ứng các tiêu chí khác như các hoạt động cộng đồng gắn với tính nguyên bản về tài nguyên du lịch, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương cũng như đảm bảo về điều kiện an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Trung, nhiều “Homestay” được xây dựng và vận hành bộc phát bởi người dân, thiếu sự gắn kết cộng đồng, giao lưu văn hóa cũng như không có trải nghiệm ẩm thực, … gắn liền với cuộc sống hàng ngày, dẫn đến những sản phẩm du lịch cộng đồng dần biến mất tính chiều sâu.

“Để tận dụng tốt quỹ cơ sở lưu trú đơn lẻ nhưng vẫn đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ, rất cần những đơn vị quản lý chuyên nghiệp cùng hợp tác quản lý có lợi cho nhiều bên: Đơn vị quản lý có quỹ phòng lớn để vận hành, chủ nhà có cơ sở vật chất được tư vấn và tham gia quản lý chuyên nghiệp, khách du lịch có phòng nghỉ giá tốt với chất lượng dịch vụ tốt…”, ông Trung chia sẻ thêm.

Thời gian qua, Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều đơn vị kinh doanh và quản lý “Homestay” tận dụng và phát huy tốt được lợi thế trên. Một số đơn vị đã thảo luận với chủ nhà để cải tạo lại nội thất theo phong cách nghỉ dưỡng, hỗ trợ bán phòng và quản lý dịch vụ. Đồng thời tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các gia đình chủ nhà.

"Homestay" được thiết kế đẹp sẽ là điểm check-in lý tưởng của giới trẻ.

Thực tế, khi lựa chọn dịch vụ “Homestay” là du khách đã chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu, điểm quan trọng nhất còn lại chính là chủ cơ sở. Họ không chỉ cần kiến thức về du lịch mà còn phải có phẩm chất tốt, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để giới thiệu cho khách, đồng thời phải có tầm nhìn xa và phải biết vì lợi ích của cả cộng đồng.

Do đó, việc lựa chọn hộ gia đình làm dịch vụ “Homestay” dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc. Làm tốt việc này sẽ giúp chất lượng lượng dịch vụ được nâng cao, khách du lịch được gắn kết và giao thoa văn hóa với người dân bản địa.

Nguyễn Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/kinh-doanh/hop-tac-quan-ly-de-homestay-phat-trien-ben-vung-20880