Hợp tác Nam-Nam: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về hợp tác Nam-Nam lần thứ 2 (PABA + 40) vừa diễn ra tại trung tâm hội nghị ở Thủ đô Buenos Aires (Argentina) với sự tham gia của một số nguyên thủ quốc gia, phái đoàn cấp cao và đại diện của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội nghị là cơ hội để khẳng định vai trò hợp tác Nam-Nam, củng cố hệ thống giúp các nước trong trục phía Nam trao đổi kinh nghiệm và tăng cường khả năng hợp tác. Mục tiêu là hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Đoàn đại biểu Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam (giữa) tham dự Hội nghị. Ảnh: VTV

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam (giữa) tham dự Hội nghị. Ảnh: VTV

Thách thức lớn

Theo Liên hợp quốc (LHQ), có năm thách thức cùng với các giải pháp đi kèm đối với hợp tác Nam-Nam. Đó là tình trạng gia tăng bất bình đẳng giữa các nước với nhau, xói mòn lòng tin trên toàn thế giới, gây ra lo ngại sâu sắc hơn về bất công. Kế đến là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày một trở nên cấp bách. Trong vấn đề này, LHQ đề cao hợp tác Nam-Nam, xem đây là nhân tố hỗ trợ chuyển đổi các nền kinh tế dựa vào nguyên liệu hóa thạch, thông qua các chiến lược tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Về yêu cầu cần thiết cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các thành phố khi mà nhu cầu năng lượng ở Nam bán cầu tăng lên. Theo LHQ, đô thị sẽ chiếm 60% diện tích Nam bán cầu vào năm 2030, nhưng hạ tầng vẫn chưa được xây dựng. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này, khu vực sẽ phải đối diện với một tương lai có mức khí thải cao, gây ra hệ quả thảm họa.

LHQ cho rằng dù đạt tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới nhưng khoảng cách ngày một xa. Điều này ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bởi lẽ nơi nào nữ giới có đại diện chính trị tốt hơn, nơi đó có sự cải thiện về bảo đảm xã hội, tăng chi tiêu phát triển.

Cuối cùng, LHQ nhấn mạnh các thiết chế quốc tế cần hoạt động mạnh hơn nữa để hỗ trợ các nước có đại diện ở Buenos Aires. Hợp tác Nam-Nam đã có bước phát triển mạnh trong 4 thập kỷ qua, nhưng các thiết chế đa phương, đặc biệt là LHQ, đã không theo kịp.

LHQ lưu ý rằng Hội nghị lần này nâng cao nền tảng nghị sự được đưa ra tại hội nghị lần thứ nhất hơn 40 năm trước - sự kiện đánh dấu sự ra đời của Kế hoạch hành động Buenos Aires về thúc đẩy và thực hiện hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển (PABA). Đây là cơ hội để tái cam kết, phát triển và đẩy mạnh khung hợp tác Nam-Nam, hợp tác giữa các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, cũng như tăng cường hệ thống, công cụ, nâng cao minh bạch, củng cố trách nhiệm. PABA đã tạo ra thay đổi trong hợp tác quốc tế, làm nổi bật giá trị của một hình thức hợp tác mới dựa trên trao đổi kiến thức và các công nghệ tương ứng giữa các nước cùng phải đối mặt với những thách thức phát triển. Hình thức hợp tác này giúp các nước đang phát triển học hỏi lẫn nhau, tăng trưởng nhanh hơn, giảm hố ngăn cách về thu nhập, xây dựng xã hội đồng đều, vững mạnh.

Hợp tác là tất yếu

Thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau khi phải đối mặt với những thách thức phức tạp và điều đó đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đối thoại chân thành và xây dựng vì mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh đó, hợp tác là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy liên kết giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau, cũng như tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới. Hợp tác giúp cho các nước đang phát triển học tập lẫn nhau, phát triển nhanh hơn và thu hẹp khoảng cách thu nhập, cũng như xây dựng những xã hội toàn diện hơn. Đây là minh chứng cho giá trị của các phương thức hợp tác khác nhau dựa trên sự trao đổi kinh nghiệm và công nghệ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Spotlight

Với tinh thần đó, hội nghị lần này đã tìm kiếm những hướng đi mới, thúc đẩy các cơ hội để cơ chế hợp tác Nam-Nam có thể xích lại gần hơn nữa đến người dân. Đây là cơ chế đại diện những gì tốt nhất của người dân các nước ở trục Nam, cũng như nguyên lý về tình đoàn kết giữa các dân tộc và hành động vì lợi ích chung.

Các đại biểu đã thảo luận về Kế hoạch hành động Buenos Aires mới, trong đó tập trung vào 17 mục tiêu tới năm 2030 liên quan tới các vấn đề như giảm đói nghèo, bình đẳng giới, vấn đề y tế hay biến đổi khí hậu... Hội nghị cũng thảo luận về các cơ chế để các nước giàu có và phát triển hơn có thể đóng góp vào hợp tác Nam-Nam thông qua các mô hình như hợp tác ba bên, khuyến khích đưa hợp tác Nam-Nam vào chính sách chiến lược của các tổ chức quốc tế.

Việt Nam đóng góp tích cực

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của LHQ về hợp tác Nam-Nam lần thứ 2 tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên họp toàn thể.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ và coi trọng hợp tác Nam-Nam; tích cực thúc đẩy hợp tác phát triển với các nước đang phát triển trong khuôn khổ song phương, tiểu vùng Mê Công, ASEAN và khu vực. Việt Nam đã triển khai hơn 10 dự án hợp tác ba bên, trong đó đã cử hơn 300 chuyên gia tới các nước châu Phi để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an ninh lương thực ở châu Phi.

Trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ 3 bài học rút ra từ triển khai các dự án hợp tác Nam-Nam. Đó là, kết hợp hài hòa khả năng của Việt Nam với nhu cầu của các nước đang phát triển, bảo đảm các dự án hợp tác mang lại kết quả thiết thực cho người dân sở tại, và kết hợp hiệu quả hỗ trợ tài chính của các đối tác phát triển với kinh nghiệm, kỹ thuật của Việt Nam trong các dự án hợp tác ba bên.

Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã và đang tiếp tục chia sẻ với các nước đang phát triển kinh nghiệm đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là kinh nghiệm về cải cách kinh tế gắn liền với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đặt con người vào trung tâm phát triển, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, giáo dục, y tế...

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn còn nhấn mạnh hợp tác Nam-Nam cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, tiếng nói và lợi ích chung của các nước đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu, nhất là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); đề nghị LHQ và các tổ chức phát triển tiếp tục hỗ trợ hợp tác Nam-Nam vì một thế giới hòa bình và cùng thịnh vượng.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hop-tac-nam-nam-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung/