Hợp tác Mỹ-Ấn có đủ mạnh đối đầu với Trung Quốc?

Ngày hôm nay 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Ấn Độ trong chuyến thăm và làm việc chính thức kéo dài 3 ngày. Trước chuyến thăm, ông Tillerson kêu gọi New Delhi 'hợp tác sâu rộng hơn' với Washington tại khu vực.

Tam giác Mỹ-Trung-Ấn có “mất góc”?

Theo ông Andrei Volodin, một chuyên gia tại viện Nghiên cứu Quốc tế Đương đại của Học viện Ngoại giao Nga, ông Rex Tillerson “đang cố áp dụng sách lược truyền thống của chính quyền Mỹ, sử dụng Ấn Độ để chống lại Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Phát biểu tại viện Chiến lược Nghiên cứu Quốc tế tại Washington, ông Tillerson nhấn mạnh rằng chính quyền Donald Trump muốn “làm sâu sắc một cách nhanh chóng” quan hệ với Ấn Độ khi phải đối mặt với một Trung Quốc mà ông mô tả là “đang làm hủy hoại trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc”.

Bình luận về phát biểu trên, ông Andrei Volodin giải thích, Mỹ đang hợp tác kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc, vì thế họ chỉ có thể dùng Ấn Độ để chống lại Bắc Kinh ở một mức độ nhất định.

“Tôi không nghĩ Ấn Độ có tác động đáng kể đối với cân bằng quyền lực ở Biển Đông hay biển Hoa Đông. Trung Quốc nhận thức rất rõ rằng Mỹ đang cố gắng lợi dụng Ấn Độ vì lợi ích riêng của mình, trong khi Ấn Độ cũng cố gắng lợi dụng Washington vì mục đích riêng của họ”, chuyên gia nói.

Theo ông, Trung Quốc không coi Ấn Độ là đối thủ trên đấu trường quốc tế, do đó họ luôn bình tĩnh, cân bằng và có vẻ thờ ơ trong việc phản ứng về tuyên bố trên đây của ông Tillerson. Bắc Kinh chỉ nói họ sẵn sàng hợp tác, thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ vì lợi ích đôi bên.

Vì thế, ông Volodin không cho rằng sẽ có bất kỳ sự đột phá nào trong tam giác quan hệ Bắc Kinh – New Delhi – Washington.

Trong khi đó, chuyên gia Su Hao từ Học viện Ngoại giao Trung Quốc lưu ý tuyên bố của ông Tillerson được đưa ra trước khi Tổng thống Donald Trump tới thăm Trung Quốc vào tháng Mười Một. Vì vậy, họ có thể coi đó là một động thái chiến lược, cố gắng giành thế chủ động trước Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Theo chuyên gia, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không hoàn toàn nhằm đối đầu với Trung Quốc, bởi quan hệ Bắc Kinh-Washington vẫn tương đối ổn định.

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ có những logic riêng, dù họ có nhiều bất đồng và khác biệt, ông Su Hao nhấn mạnh.

Ông dự đoán có thể Mỹ-Ấn sẽ ký kết nhiều văn bản khác nhau, nhưng không chắc đó có phải là những thỏa thuận có ý nghĩa lớn hay không.

Cơ hội và "cái bẫy" cho New Delhi 

Trong khi đó, Giáo sư Chính trị học Dibyesh Anand từ đại học Westminster phân tích mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Ấn Độ có thể khiến New Delhi gánh nhiều thiệt hại hơn là hưởng những điều tốt đẹp.

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ "lên trầm xuống bổng" trong thời gian qua.

Theo ông, Ấn Độ có thể “bị mắc bẫy, rơi vào một mối quan hệ giống như Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc”.

“Có một sự bất đồng về quan điểm ở Ấn Độ. Một số người coi Trung Quốc là một đồng minh tiềm năng, trong khi hầu hết số còn lại coi Trung Quốc là một thách thức”, chuyên gia lưu ý.

Tuy nhiên, cả hai nước buộc phải là láng giềng của nhau “dù họ có thích hay không”, Anand nói. Trong khi đó, Mỹ sẽ “chỉ đến rồi đi” và lợi dụng các đồng minh để phục vụ lợi ích riêng, chuyên gia bổ sung.

Ông cho hay, sẽ tốt hơn đối với Ấn Độ nếu New Delhi tuân theo nguyên tắc về thái độ trung lập đối với các quốc gia khác. Nói về những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây, “tôi không chắc rằng Ấn Độ nên kết thân với Mỹ”, Anand nói.

“Ấn Độ nên giữ khoảng cách với Mỹ, Nga, Trung Quốc và tất cả các cường quốc. Nước này đang có quan điểm đúng đắn khi không liên minh, liên kết với quốc gia khác”, ông tiếp tục.

Còn theo Giáo sư Sumit Ganguly tại Đại học Indiana, quan hệ Mỹ-Ấn mang lại cho New Delhi những lợi ích nhất định. Các nghị sĩ Ấn Độ hiểu rằng quan hệ đồng minh với Washington sẽ giúp Ấn Độ kiềm chế Trung Quốc, bởi New Delhi coi Trung Quốc là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề xung đột ở biên giới.

“Ấn Độ nhận ra Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa lớn với lợi ích của New Delhi, không chỉ ở biên giới mà còn ở Nam Á nói chung. Chính quyền trước đây đã cố gắng hòa giải với Trung Quốc và rút ra một điều rằng những nỗ lực đó không đưa họ đi về đâu”, chuyên gia kết luận.

D.T

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hop-tac-my-an-co-du-manh-doi-dau-voi-trung-quoc--a343761.html