Hợp tác MIA: Cây cầu hòa giải Việt – Mỹ

Ba thập niên đã trôi qua nhưng việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) chưa bao giờ dừng lại dù đã có những mất mát đau thương ngay giữa thời bình trên hành trình. Đó là bởi truyền thống bao dung, độ lượng và tấm lòng nhân đạo cùng ước muốn hòa giải của con người Việt Nam.

Con người tìm đến với con người

Tại lễ kỷ niệm “30 năm Việt Nam – Mỹ hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định, hợp tác MIA là một trong những cầu nối ban đầu giúp hai bên hiểu biết nhau hơn và cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho thành công chung của quan hệ hai nước.

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz trao quà lưu niệm tại Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác trong chương trình MIA.

Đến nay chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt - Mỹ đạt được tầm mức quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp lâu dài, sâu sắc như hợp tác về MIA. Thêm vào đó, việc tìm lại hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh cũng góp phần mang lại sự an bình cho nhiều gia đình, giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo và văn hóa của nhau.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, theo nội dung Hiệp định, Cơ quan tìm kiếm MIA đã được thành lập. Việt Nam cam kết hợp tác với Mỹ tìm MIA hoàn toàn trên tinh thần nhân đạo, đã không đặt bất cứ điều kiện gì, không gây cản trở hay có băn khoăn nào trong hợp tác với phía Mỹ nhằm tìm kiếm từng trường hợp cụ thể, đáp ứng mong mỏi từ phía các gia đình Mỹ.

Theo Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), sự hợp tác của hai nước trong hoạt động MIA thực sự bắt đầu từ trước khi cả hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đã có các cuộc thảo luận cấp cao giữa Việt Nam với Chính phủ Mỹ trong nhiều năm, tiếp theo là Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho chuyến thăm Hà Nội của Liên đoàn Quốc gia Các gia đình POW/MIA (gia đình có lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh).

Chuyến đi này đã giúp truyền thêm sức mạnh và tập trung đối thoại song phương sau chiến tranh và là một bước tiếp theo trên con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ, trên thực tế là đi qua “cầu nối” để bình thường hóa quan hê å- điều mà Chính phủ Việt Nam đã đặt trong tầm nhìn từ lâu.

Trên thực tế, có tổng cộng hơn 2.000 trường hợp MIA, đã được tiến hành trong nhiều năm với hàng trăm đợt tìm kiếm và đạt kết quả tối đa có thể. Số còn lại trong danh sách đều được đội tìm kiếm chung hai bên kết luận là rất khó tìm vì vết tích không thể xác định do thiên tai và địa hình biến đổi sau hàng chục năm, hoặc đó là những trường hợp mất tích nơi rừng núi hiểm trở, ngoài biển sâu… Khó khăn là vậy nhưng phía Việt Nam vẫn sẵn sàng tiếp tục giúp Mỹ tìm kiếm nếu có cơ hội, có thông tin mới.

Công việc tìm kiếm MIA rất vất vả. Đội hỗn hợp tìm MIA ngày đêm không quản ngại mưa nắng; có thông tin, có điều kiện là sẵn sàng lên đường. Đã có đội hỗn hợp 16 người gặp tai nạn hy sinh khi thực hiện công việc.

Đoàn tìm kiếm MIA đến các điểm khai quật tại Quảng Nam năm 2010.

Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ cho rằng, MIA còn là một hành trình nhân văn, tâm linh, đưa hai dân tộc đến gần nhau, con người tìm đến với con người bằng quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Những hành động cụ thể, sự tình nguyện cao thượng của người Việt đã cảm hóa rất nhiều người Mỹ. Hàng nghìn người dân Việt Nam mà chính họ cũng chưa tìm được hài cốt của con em mình nhưng đã tình nguyện tham gia tìm MIA. Điều đó thật hiếm thấy trên quốc tế. Cũng có cựu binh Mỹ qua Việt Nam, đến những nơi họ từng tham chiến để cùng tìm kiếm. Ông Chiến khẳng định, công việc về MIA không có đất khai thác vụ lợi cho những người không hữu nghị và thiếu thiện chí với Việt Nam.

Những thông điệp nhân văn về MIA cũng đã được Phó Đại sứ Mỹ, bà Caryn McClelland khẳng định: “Kể từ đợt hoạt động hỗn hợp đầu tiên, hai nước chúng ta đã hoàn thành điều mà hai cựu đối thủ hiếm khi làm; chúng ta gạt sang một bên những khác biệt để thực hiện sứ mệnh cao quý này. Các đội hỗn hợp đã điều tra và khai quật hàng nghìn hiện trường trên khắp Việt Nam trong việc theo đuổi các mục tiêu nhân đạo chung của chúng ta. Nỗ lực hợp tác này đã giúp làm dịu nỗi đau cho nhiều gia đình khi những người thân được trở về”.

Những lời cảm ơn chân thành

Điều ông Chiến rất muốn đề cập là những nỗ lực lớn, nhiều năm và hiệu quả cao của Việt Nam về tìm kiếm MIA đã nhận được sự công nhận và cảm ơn ở cấp cao nhất của Mỹ. Trong tất cả thông cáo chung của các cuộc gặp cấp cao Việt - Mỹ, lời cảm ơn ấy đã được trân trọng nhắc đi nhắc lại. Sự biết ơn đó cũng được các cựu binh Mỹ, gia đình MIA, đại diện các giới khác nhau của Mỹ bày tỏ với phía Việt Nam trong tiếp xúc, giao lưu.

Sự việc đáng nhớ là năm 2000, khi ông Bill Clinton, Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, đã đích thân thăm một nơi khai quật tìm MIA; trực tiếp chứng kiến những công việc đồ sộ, khó khăn của hàng trăm người Việt Nam đang sàng lọc đất đá tìm hài cốt lính Mỹ, và ông đã rất xúc động cảm ơn phía Việt Nam.

Lễ hồi hương ba hài cốt lính Mỹ vào ngày 11-12-2018 tại Đà Nẵng.

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác tìm MIA cũng đã nhấn mạnh, thành công phía Mỹ có được là sự tham gia của các cựu chiến binh và công dân Việt Nam, những người đã cung cấp thông tin, nhân chứng trực tiếp. “Chúng tôi biết chúng tôi không đơn độc trong việc tìm kiếm các quân nhân mất tích trong chiến tranh. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ thực hiện các công việc mang tính nhân đạo này. Việc đưa được hài cốt của các quân nhân Mỹ trở về với gia đình là công việc vô cùng quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đã có được sự hợp tác rất lớn từ phía Việt Nam. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc đồng đội giữa Hoa Kỳ với Việt Nam trong hoạt động này”, Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz chia sẻ.

Nhận thức được sự mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trong thời chiến, Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz bày tỏ sự sẵn lòng cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến những mất mát về người trong chiến tranh của Việt Nam trong quá trình phía Mỹ thực hiện công việc tìm kiếm và nghiên cứu. “Cách đây một vài năm, chúng tôi từng gặp một nhân chứng và họ đã chia sẻ thông tin với chúng tôi về khu vực có hài cốt của các quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin này với Chính phủ Việt Nam và phía Việt Nam đã khai quật được hài cốt của gần 1.000 người tại khu vực đó. Bên cạnh chia sẻ thông tin, phía Mỹ cũng tham gia vào quá trình đào tạo và hỗ trợ, đồng thời thường xuyên chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này cho phía Việt Nam”, Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz kể.

Ông Jon Kreitz cho rằng nỗi đau về sự ra đi của 16 thành viên trong đội tìm kiếm chung vào năm 2001 sẽ mãi gắn kết hai nước. Tuy nhiên, đó cũng là lời nhắc nhở về nhiệm vụ tìm MIA vô cùng nguy hiểm và hai bên cần tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhau để đảm bảo sự an toàn của các đội hỗn hợp.

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Giờ đây, theo ông Chiến, khi quan hệ hai nước bước vào giai đoạn đối tác toàn diện, sự hòa giải Việt - Mỹ càng diễn ra sâu rộng, được thể hiện qua nhiều dự án, trong đó phải kể đến dự án “Hai phía”. Theo đây, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu giữa con em cựu binh Mỹ với con em của các liệt sỹ, tử sỹ Việt Nam nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hành trình tìm MIA có sự đóng góp to lớn của những người dân Việt Nam.

Các đoàn con em những lính Mỹ mất tích đã được thăm những nơi cha ông họ tham chiến, được tổ chức làm lễ cầu siêu cho người thân đã mất; chứng kiến những cử chỉ hữu nghị, thiện chí và sự đồng cảm của các giới người Việt đối với sự mất mát của họ; tìm hiểu những hậu quả chiến tranh to lớn và nhiều mặt đối với Việt Nam... Tất cả những điều đó đã gây tác động mạnh, làm thay đổi nhận thức của họ về cuộc chiến trong quá khứ và góp phần hiểu biết sát thực về vấn đề MIA cũng như quan hệ hai nước hiện nay. Những mong muốn nỗ lực không để lặp lại quá khứ, cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ đã được nêu lên và đồng lòng.

Nói đến nhu cầu hòa giải sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước Việt – Mỹ, ông Chiến hồi tưởng hình ảnh hai bà mẹ Việt Nam và Mỹ đều mất con trai trong chiến tranh, ôm choàng nhau và rơi lệ tại cuộc gặp gỡ khi tổ chức “Cây hòa bình” (Peace Tree) thăm Quảng Trị, tháng 8-2015. Đó là những cái ôm và những giọt nước mắt của hòa giải và hòa bình; biểu tượng sâu đậm của tình người, vượt qua mất mát và quá khứ để làm bạn. Những hoạt động không ngừng về tìm kiếm MIA của hai phía theo đó đã và đang góp phần quan trọng xoa dịu nỗi đau trong bao gia đình Việt Nam và Mỹ.

Đặc biệt, vượt trên những ký ức về chiến tranh, nhiều người Mỹ đã đến Việt Nam và gieo lại những mầm xanh ở mảnh đất này, trong đó có Susan Hammond, người biết đến Việt Nam từ những nỗi đau mà bà phải gánh chịu sau chiến tranh.

Susan Hammond là con gái của một cựu chiến binh Mỹ đã bị bệnh Parkinson từ di chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm ở Việt Nam. Hơn ai hết, bà được tận mắt chứng kiến những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam đối với cha mình và các đồng đội của ông. Vì vậy, bà muốn đến Việt Nam một phần vì muốn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà chiến tranh đã để lại cho Việt Nam, một phần muốn biết lý do tại sao nước Mỹ lại thực hiện cuộc chiến tranh này.

Từ khi đặt chân đến Việt Nam vào năm 1991, Susan Hammond đã quyết tâm dành mọi tâm huyết và nỗ lực để nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động dai dẳng của chất độc da cam và tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân da cam ở Việt Nam. Bà đã sáng lập và điều hành Dự án War Legacies Project (WLP - Dự án Giải quyết di sản chiến tranh).

Giờ đây, nỗi buồn và các di sản chiến tranh vẫn còn hiển hiện sau hàng chục năm hòa bình; bao người mẹ Việt Nam vẫn còn trông ngóng sự trở về của những người con, hàng triệu nạn nhân da cam cần sự giúp đỡ kịp thời... Chung tay nhiều hơn nữa để làm lành những vết thương của những người dân thường, để làm an lòng và nhận được sự đồng tâm của họ đối với quan hệ Việt - Mỹ là sẽ có tất cả.

Ông Chiến mong mỏi có sự đóng góp tích cực hơn nữa của phía Mỹ để đạt kết quả tối đa có thể giúp khắc phục các hậu quả về da cam, bom mìn như các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc tìm MIA Mỹ bao năm qua... Hy vọng, hành trình vượt quá khứ sẽ tiếp tục đón nhận nhiều tin tốt lành để góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ lên những đỉnh cao mới, đáp ứng lợi ích và trông chờ của hai dân tộc.

Trường Phương

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/hop-tac-mia-cay-cau-hoa-giai-viet-my-529561/