Hợp tác KOSEN- Kỳ vọng tạo đột phá cho chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp

Nhằm đem lại sự đột phá mới trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành công nghiệp nói riêng, việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đặc biệt quan trọng. Đây cũng chính là mục tiêu mà Bộ Công Thương kỳ vọng trong hợp tác mô hình đào tạo KOSEN với Nhật Bản.

Trong xu thế toàn thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao (có tay nghề, có kỹ năng và kỷ luật lao động) ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp (DN) trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Buổi Hội thảo Kết nối nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp với mô hình đào tạo KOSEN

Buổi Hội thảo Kết nối nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp với mô hình đào tạo KOSEN

Tại Hội thảo Kết nối nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp với mô hình đào tạo KOSEN mới đây, Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương - thông tin, Bộ Công Thương có 9 trường đại học, 25 trường cao đẳng, mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động hơn 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp. Các ngành nghề đào tạo đa dạng cả kỹ thuật và kinh tế nhưng thế mạnh của các trường là các ngành như: điện công nghiệp, điện - điện tử, cơ khí, dệt may, hóa chất, công nghệ thực phẩm, kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin...

Thời gian qua, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt được Bộ Công Thương quan tâm, tập trung đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, hợp tác nhằm giúp các trường thuộc Bộ cải thiện chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu mới. Bà Phạm Ngô Thùy Ninh –Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương - cho biết, hiện một số trường thành công trong hợp tác với DN, các trường khác cũng rất tích cực nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Công Thương nói chung và cho ngành công nghiệp nói riêng vẫn còn xa với mục tiêu phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. "Một trong những nguyên nhân là do cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự coi đào tạo là sản phẩm dịch vụ cần tuân thủ quy luật gắt gao của thị trường; các DN chưa mấy mặn mà gắn kết nhà trường, do chưa nhận thấy lợi ích dài hạn của việc tham gia đào tạo sinh viên"- bà Ninh cho hay.

Nhằm cải thiện thực trạng đó, năm 2018 Bộ Công Thương triển khai hợp tác với Học viện Công nghệ quốc gia Nhật Bản thực hiện Chương trình mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN để phát huy thế mạnh của giáo dục công nghệ cho các tổ chức và góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ở Việt Nam. Theo đó, chương trình được thí điểm tại 3 trường cao đẳng với tổng số sinh viên dự kiến đào tạo cho giai đoạn 2020-2021 là 250 em.

Đến nay, chương trình KOSEN đang triển khai khá thuận lợi, số sinh viên đăng ký tuyển sinh năm 2020 tăng so với năm 2019. Ông Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết, mô hình đào tạo KOSEN tại trường đang thu hút sự quan tâm lớn của sinh viên. Năm học 2020-2021 đã có 1.200 em đăng ký nhưng chỉ tiêu đưa ra là 180 thí sinh, cho thấy chương trình KOSEN đã tạo được sức hút và chất lượng đầu vào đã được đảm bảo.

Tuy nhiên, để đào tạo theo mô hình KOSEN đạt hiệu quả theo mục tiêu hợp tác đề ra, ông Nguyễn Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại - cho rằng, các trường cần hỗ trợ, cung cấp thông tin nhiều hơn từ DN Nhật Bản về kế hoạch tuyển dụng, yêu cầu vị trí việc làm để trường xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN. Còn ông Phạm Văn Quân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế - nhận định, chương trình KOSEN là cơ hội để sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm tại các DN Nhật Bản. Vì vậy, mong muốn của nhà trường là đẩy mạnh kết hợp xây dựng chương trình đào tạo cùng DN Nhật Bản, qua đó để có thể xuất khẩu kỹ sư theo mô hình KOSEN làm việc tại Nhật Bản từ 2-3 năm sau khi tốt nghiệp và trở về tham gia làm việc cho DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là giải pháp để gia tăng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp của Việt Nam

Tại hội thảo, phía Nhật Bản cũng đã thông tin khá rõ nét về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhân lực của DN Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay. Ông Masuoka Hiroyoshi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu Công nghiệp Thăng Long - cho biết, nhiều DN của Nhật Bản đang rất thiếu lao động có kỹ năng, trình độ, nhất là khối DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp như điện, điện tử, cơ khí. Vì vậy, các DN đang rất quan tâm và có nhu cầu hợp tác với các cơ sở đào tạo của Việt Nam để xây dựng nguồn cung ứng nhân lực ổn định, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Song theo ông Yahagi Hitoshi – Phó Chủ tịch Hội Công Thương Nhật Bản tại Hà Nội (JCCI) - khuyến nghị, DN Nhật Bản luôn có yêu cầu khắt khe về chất lượng nhân lực, nên để có thể ứng tuyển, lao động Việt Nam phải đáp ứng được nhiều yếu tố của DN, như: có kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm phân tích các vấn đề sản xuất, sử dụng thành thạo hệ thống máy móc vượt những kiến thức thông thường; có tác phong công nghiệp của Nhật Bản, biết cách liên lạc, thực hiện báo cáo theo tiêu chuẩn; có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, khả năng làm việc theo nhóm, lên kế hoạch, dự báo tương lai hoạt động, phát triển của DN.

Trên cơ sở các tiêu chí này, ông Yahagi Hitoshi - góp ý, chính sách đào tạo nhân lực của Việt Nam cần gia tăng tính hướng nghiệp nhiều hơn để sinh viên định hình được tương lai về việc làm ngay khi bước vào cổng trường đại học, cao đẳng; các trường đào tạo phải bám sát nhu cầu của DN và thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp, nền kinh tế trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Qua đó có thể gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp mô hình KOSEN tại DN Nhật Bản; đồng thời, hạn chế được tình trạng nhảy việc, chuyển việc của lao động tại DN Nhật Bản do không đáp ứng được yêu cầu và không thích nghi được với môi trường làm việc áp dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Thế Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương - cho biết, phía Bộ Công Thương luôn mong muốn sinh viên đào tạo theo chương trình KOSEN tốt nghiệp có việc làm cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương đánh giá cao chia sẻ thông tin về yêu cầu tuyển dụng cũng như góp ý về đào tạo, chất lượng lao động của đại diện các DN Nhật Bản; đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ từ các DN Nhật Bản để giúp các trường của Bộ nắm bắt, cập nhật nhu cầu tuyển dụng của DN, thông qua đó có hướng xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp; tránh tình trạng đào tạo xong không hiệu quả.

Ngoài ra, “để các trường thuộc Bộ đào tạo, cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, Bộ Công Thương luôn hỗ trợ, tạo thuận lợi để các đơn vị tham gia nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, giáo dục cũng như đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách giúp nhà trường hoạt động tốt hơn”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Việt Nam - Nhật Bản cam kết tiếp tục phối hợp triển khai chương trình mô hình đào tạo KOSEN một cách hiệu quả

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-kosen-ky-vong-tao-dot-pha-cho-chat-luong-nguon-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-144425.html