Hợp tác FDI chủ động, bình đẳng và có chọn lọc

Đây là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra tại Hà Nội ngày 4/10.

Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Việt Nam (Ảnh TL)

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành quả và đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút đầu tư, nay Việt Nam sẽ thực hiện chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn.

Theo đó, hợp tác đầu tư nước ngoài là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác đầu tư nước ngoài mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, "không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn", dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ.

"Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay phải chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua lại" các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tiếp nhận thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI: 'Chàng trai FDI 30 năm không kết hôn nổi với doanh nghiệp Việt'

Tại hội nghị, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam nhận định, với triển vọng mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam, tầng lớp trung lưu phát triển, lao động ngày càng có trình độ và vị trí đắc địa ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó là tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư ưu đãi, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ tạo ra những cơ hội cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang đàm phán. Khi hiệp định này được ký, Việt Nam là số ít quốc gia được tiếp cận thị trường 500 triệu người của EU.

Đặc biệt là việc Việt Nam đang tham gia 12 hiệp định thương mại song phương và đa phương với 56 đối tác thương mại thế giới. Đây là nền tảng để Việt Nam cải cách hành chính, hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi minh bạch hơn nữa. Từ đó giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nicolas nhận định.

Tuy vậy, cũng còn không ít các vấn đề tồn tại của dòng vốn FDI tại Việt Nam cần có giải pháp quyết liệt như bảo vệ môi trường, ngăn chặn hành vi chuyển giá, bảo vệ lợi ích người lao động, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và ngăn chặn nguy cơ trở thành "bãi thải" công nghệ lạc hậu...

Đặc biệt là về năng lực của doanh nghiệp trong nước và mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay đang có một sự khác biệt rất lớn về năng lực, trình độ giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân khiến hai khối doanh nghiệp này không có sự liên kết chặt chẽ như kỳ vọng của Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Để khắc phục điều này, Chính phủ phải hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, tận dụng những cơ hội của FDI để phát triển hơn nữa.

FDI và những con số

Sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của khu vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy từ năm 2000 đến nay cho thấy, quy mô nền kinh tế đất nước đã lớn gấp nhiều lần; trong đó, đóng góp của khu vực FDI là rất to lớn.

Nếu như trong giai đoạn 1991 – 2000, vốn FDI thực hiện chỉ đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm thì giai đoạn 2001 - 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó và bình quân 5,85 tỷ USD/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân thu hút 12 tỷ USD/năm.

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông.

Đối với những địa phương thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và kinh doanh có hiệu quả cao.

Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI, chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp. Hiện nông nghiệp của tỉnh này chỉ còn khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82% cơ cấu kinh tế tỉnh.

Đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Thu Phương ghi

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hop-tac-fdi-chu-dong-binh-dang-va-co-chon-loc-1538665116968.htm