Hợp tác cùng phát triển

Những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử, việc mua sắm trực tuyến không còn xa lạ với người tiêu dùng. Thị trường này trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia mua bán trực tuyến ngày càng nhiều.

Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại điện tử càng cho thấy tính ưu việt cũng như khẳng định được xu thế phát triển của nền kinh tế số. Ở góc độ doanh nghiệp, đây cũng là “chìa khóa” giúp họ tiếp cận nhanh nhất với khách hàng, đồng thời hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực thương mại điện tử có tiềm năng rất lớn để mở rộng, phát triển. Có thể nói, đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đặt ra, để làm thế nào khai thác tối đa tiềm năng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Do đó, trước hết phải xác định, các xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Cụ thể là các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dữ liệu lớn, internet vạn vật...); các mô hình kinh tế chia sẻ phát triển; thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh; thanh toán điện tử trên thiết bị di động trở nên phổ biến… Những xu hướng này cần sớm được nhận diện để doanh nghiệp trong nước có định hướng phát triển, từ đó có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ ngoại.

Để tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ công liên quan. Đồng thời, tích cực triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử. Một việc cần thiết nữa là tăng cường hoạt động truyền thông và giáo dục, để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng. Cùng với đó, cần chú trọng thanh tra, kiểm tra theo quy định để xử lý triệt để nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử cũng phải được chú trọng. Muốn phát triển thương mại điện tử, ngoài yêu cầu có một đội ngũ chuyên gia tin học chuyên sâu, đáp ứng cho kinh tế số, còn đòi hỏi mỗi người tham gia lĩnh vực này phải có hiểu biết cần thiết về thương mại, luật pháp liên quan…

Ở góc độ doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử và việc trao đổi mua bán trên mạng. Với vai trò là chủ thể, các sàn giao dịch thương mại điện tử cần tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, xử lý những đơn vị bán hàng giả, hàng nhái; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ gia tăng như vận chuyển, thanh toán, hậu mãi.

Tiếp đó là nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp thông qua hợp tác và tăng sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần nghĩ đến phương án xây dựng mối quan hệ cộng sinh cho riêng mình, hợp tác để đáp ứng từng phần trong quy trình thương mại điện tử.

Với người tiêu dùng, cần tự giác nâng cao trình độ công nghệ thông tin; cảnh giác với những thông tin, kênh bán hàng chưa được kiểm chứng, tránh “tiền mất, tật mang”. Quan trọng hơn là khi phát hiện vi phạm trên các kênh bán hàng trực tuyến cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Do đó, cùng hợp tác để phát triển là một trong những yêu cầu hàng đầu phải thực hiện hiệu quả.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/969356/hop-tac-cung-phat-trien