Hợp tác cùng fintech – Xu thế mới của các ngân hàng lớn

Năm năm trước đây, khi làn sóng fintech đầu tiên xuất hiện với những sản phẩm và dịch vụ tài chính cải tiến ra đời, nhiều người cho rằng cuộc chiến giữa fintech và các ngân hàng truyền thống đã bắt đầu.

Tác giả bài viết là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Khối Quản lý Thanh khoản và Tiền tệ Toàn cầu, HSBC Việt Nam - Ảnh: NVCC

Trước đây, nhiều nhà kinh tế học cho rằng sự phát triển của các công ty khởi nghiệp về fintech sẽ khiến ngân hàng truyền thống sụp đổ. Tuy nhiên, hiện nay, mối quan hệ ấy lại đang nghiêng về hướng hợp tác hơn là cạnh tranh.

Chỉ khoảng năm năm trước đây, khi làn sóng fintech đầu tiên xuất hiện với những sản phẩm và dịch vụ tài chính cải tiến ra đời, nhiều người cho rằng cuộc chiến giữa fintech và các ngân hàng truyền thống đã bắt đầu.

Họ tin rằng các công ty khởi nghiệp fintech phát triển với tốc độ thần kỳ này sẽ là một thế lực mới với những đối thủ có năng lực cạnh tranh cao, đe dọa sự tồn tại của ngân hàng từ lĩnh vực thanh toán bằng công nghệ và gọi vốn cộng đồng, đến lĩnh vực thanh toán ngoại hối truyền thống, cho vay trực tuyến và các dịch vụ quản lý tài sản.

Dù áp lực từ những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ tài chính ngày càng nhiều, hoạt động củangân hàng vẫn không hề bị gián đoạn. Ngân hàng truyền thống vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính và sẵn sàng tiếp nhận những tiến bộ công nghệ.

Lịch sử cho thấy ngân hàng chỉ từng cạnh tranh với chính những ngân hàng khác. Trên thực tế, trong bối cảnh của nền kinh tế số hóa hiện nay, nếu chỉ dựa vào các hình thức giao dịch trực diện truyền thống và công nghệ cơ bản, chắc chắn ngân hàng sẽ thất bại trong việc thuyết phục khách hàng tiếp tục đặt niềm tin vào hệ thống cũ trong thời đại kỹ thuật số.

Bắt kịp xu hướng

Tuy nhiên, nhận định này đã bỏ qua thực tế rằng các ngân hàng hàng đầu luôn tiếp nhận công nghệ mới và bắt kịp xu hướng. Máy ATM, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ngân hàng trực tuyến và thương mại điện tử đều từng là những giải pháp thực tế nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong thế giới hiện đại.

Làn sóng fintech mới này cũng không ngoại lệ. Thay vì bảo thủ và cạnh tranh một mất một còn với các công ty fintech, trong những năm qua, chúng ta chứng kiến các ngân hàng dần dần cải tiến hệ thống lỗi thời và ứng dụng những công nghệ mới trong nội bộ, cũng như hợp tác, đầu tư, và thậm chí mua lại những công ty fintech để tạo ra một loạt những sản phẩm và dịch vụ mới.

Chắc chắn, các ngân hàng lớn đang dần gia tăng đầu tư vào công nghệ và ứng dụng những cải tiến số, bao gồm cả việc thay đổi văn hóa và tư duy của nhân viên, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, và phát triển các công cụ tiên tiến như giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, tự động hóa quy trình và công nghệ xác thực bằng sinh trắc học.

Thêm nữa, ngân hàng cũng ứng dụng công nghệ giúp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp giảm thiểu những thủ tục giấy tờ và hỗ trợ họ trong các giao dịch tài chính hàng ngày. Các ngân hàng cũng đang ứng dụng tự động hóa thay thế các công việc lặp đi lặp lại, sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học để đọc các tài liệu tài trợ thương mại, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) nhằm giảm xung đột trong quan hệ thương mại, giúp các giao dịch tài chính dễ tiếp cận hơn. Điều này sẽ giúp tăng tốc, đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu rủi ro trong nền thương mại hàng hóa toàn cầu trị giá 19,48 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Hợp tác hiệu quả

Nếu như làn sóng đầu tiên của fintech chủ yếu là giúp cho việc cung cấp những dịch vụ hiện có dễ dàng, nhanh hơn và hiệu quả hơn, làn sóng tiếp theo của fintech sẽ là mở rộng quan hệ hợp tác giữa các công ty công nghệ và ngân hàng. Trên thực tế, với việc các fintech đang đạt được những bước tiến đáng kể, ngân hàng sẽ xem xét gia tăng việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp hoặc cùng nhau sáng tạo sản phẩm mới, thay vì cạnh tranh trực tiếp.

Điều này đã được chứng thực qua kết quả báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Báo cáo cho thấy có khoảng 100 công ty fintech hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam.

Gần 72% trong số này đang hợp tác với các ngân hàng thương mại . Thực tế, trong những năm gần đây, có thể nhận thấy sự hợp tác giữa những công ty fintech hàng đầu tại Việt Nam với ngân hàng trong các lĩnh vực khác nhau ngày càng nhiều, ví dụ như MoMo hợp tác với ngân hàng ACB, VPBank trong các dịch vụ cho khách hàng cá nhân, VietUnion (Payoo) hợp tác cùng Vietcombank, BIDV, hay gần đây nhất là hợp tác cùng HSBC Việt Nam giới thiệu Giải pháp thu đa kênh đầu tiên dành cho các khách hàng doanh nghiệp.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng trong nước rất chậm thay đổi và thiếu linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ mới, dẫn đến phí giao dịch cao và dịch vụ không đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech sẽ tạo nền tảng cải tiến dịch vụ tài chính. Ông Dũng cũng cho biết “FinTech là lĩnh vực phát triển nhanh, khu vực giao cắt “năng động” giữa công nghệ với dịch vụ tài chính, là biểu hiện sinh động cho ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành ngân hàng-tài chính .”

Chúng ta cũng nhận thấy rằng các công ty khởi nghiệp fintech sẽ được hưởng lợi từ thế mạnh của ngân hàng như nhận diện thương hiệu, cơ sở dữ liệu khách hàng, nguồn vốn mạnh, kinh nghiệm pháp lý và tuân thủ luật pháp, và đặc biệt, các chi nhánh, phòng giao dịch với các nhân viên được đào tạo bài bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng truyền thống sẽ hưởng lợi từ tư duy vượt giới hạn, dữ liệu thị trường và chuyên môn kỹ thuật từ các công ty khởi nghiệp nhanh nhạy và sáng tạo.

Thay vì cạnh tranh, việc hợp tác này sẽ giúp ngân hàng và công ty fintech càng thành công hơn trong việc cải tiến dịch vụ tài chính và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Và chúng ta sẽ thấy nhiều sự hợp tác và kết hợp nữa trong những năm tới đây.

Những rủi ro vốn có

Liệu có điều gì cần lưu ý về mối quan hệ hợp tác này không? Việc số hóa các dịch vụ tài chính sẽ tạo ra những lỗ hổng mới. Do đó, ngân hàng, các công ty fintech và cả chính phủ đều cần nhanh chóng đưa ra các chuẩn mực kiểm soát đạo đức thông qua chuỗi cung ứng dữ liệu để đảm bảo rằng mình có thể cân bằng rủi ro và lợi ích của công nghệ dữ liệu.

Hệ thống chính trị, pháp luật và cả xã hội ngày càng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ áp dụng những khuôn khổ này sớm nhằm bảo vệ khách hàng và bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, cạnh tranh công bằng khi Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo phát triển.

Tại hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào tháng 9/2019, các chuyên gia đều đồng ý rằng để phát triển công nghệ tài chính, cần có một khuôn khổ pháp lý toàn diện và sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech .

Sự trỗi dậy của fintech đã mang đến thách thức cho các nhà lập pháp trên toàn thế giới, và Việt Nam không phải ngoại lệ. Bản chất phát triển nhanh của fintech thường vượt xa sự phát triển của các quy định trong ngành ngân hàng và cả luật pháp. Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang bắt kịp sự phát triển này, những ngân hàng lớn như HSBC sẽ vẫn tiếp tục đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của mình vào các cuộc thảo luận này.

Nói đến đổi mới công nghệ và sự bùng nổ của kỹ thuật số, sẽ luôn có vừa thách thức vừa cả những cơ hội tuyệt vời. Điều chắc chắn là ngân hàng sẽ tiếp tục áp dụng và triển khai những giải pháp số để thỏa mãn nhu cầu về dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng của lực lượng dân số trẻ của Việt Nam, những người ngày càng kết nối với thế giới hơn.

Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ sinh thái ngân hàng, các công ty công nghệ lớn và fintech đang phát triển khỏe mạnh và vững vàng. Đây không phải là cuộc chiến vì tương lai của ngành dịch vụ tài chính mà là một kỷ nguyên thú vị, được định nghĩa bằng chính những sự hợp tác năng động.

Tác giả bài viết là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Khối Quản lý Thanh khoản và Tiền tệ Toàn cầu, HSBC Việt Nam.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/hop-tac-cung-fintech-xu-the-moi-cua-cac-ngan-hang-lon-3536253.html