Hợp tác công - tư ngành hồ tiêu hướng đến 70% sản lượng đạt dư lượng chuẩn

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam lại bị đánh giá đang đứng trước những thách thức lớn về tính bền vững.

Mục tiêu 2025: 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.

Mục tiêu 2025: 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm nhóm hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu, cuối tháng 7/2022, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là rất quan trọng.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu mức dư lượng tối đa cho phép (MRL), 25% nông dân trồng hồ tiêu tăng 20% thu nhập, 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp và 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững thì vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá mang tính quyết định.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, cả hệ thống phải vào cuộc, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp (khối tư), nhà nông và cả các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Riêng khối tư là các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Nhóm hợp tác hiện có 8 doanh nghiệp tham gia và đang phát huy rất tốt vai trò trong nhóm công tư này. Đó là liên kết sản xuất với nông dân, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân…

Ngoài ra, nhóm công tư sẽ có chương trình tập huấn, đào tạo cho những nông dân nòng cốt về canh tác bền vững, sức khỏe cây trồng, môi trường sinh thái, đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là chiến lược mà Cục Bảo vệ Thực vật được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

“Chúng tôi đang xây dựng ngưỡng chỉ tiêu cho phép đối với hồ tiêu của Việt Nam. Ngoài ra, buổi sơ kết hôm nay cũng tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án phát triển hồ tiêu Việt Nam bền vững do EU tài trợ, thực hiện tại 3 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Sau hội nghị, chúng tôi sẽ ký một bản ghi nhớ về chương trình chăm sóc sức khỏe cây trồng tổng hợp giữa Cục Bảo vệ Thực vật và 2 đơn vị khác là “Tổ chức sáng kiến gia vị bền vững” (SSI) và “Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững” (IDH)”, ông Dương cho biết thêm.

Toàn cảnh cuộc họp.

Nội dung cơ bản của biên bản ghi nhớ giữa 3 bên là hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất hồ tiêu bền vững tại Việt Nam thông qua việc quản lý, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm.

Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các đối tác công và tư nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu, đáp ứng yêu cầu thị trường; Thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn; Tăng cường chính sách và năng lực của các đối tác công nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu bền vững; kêu gọi các doanh nghiệp phân bón xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở Đắk Lắk, Đắk Nông.

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình nhóm công tư ngành hàng hồ tiêu là sản xuất an toàn, canh tác bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái. Ngoài các nội dung đào tạo, tập huấn, Cục Bảo vệ Thực vật cũng đề xuất đưa vào 2 chương trình là quản lý sức khỏe cây trồng giai đoạn 2022 - 2030, lồng ghép các vấn đề an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý dịch hại xuyên biên giới; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp giai đoạn 2022 - 2025, lồng ghép an toàn thực phẩm, quản lý dịch hại và rủi ro do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

Lưu ý tại các thị trường lớn

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật còn có vai trò đầu mối thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách và năng lực trong quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu xuất khẩu nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất an toàn và bền vững của thị trường.

Theo bà Mạc Tuyết Nga, quản lý chương trình gia vị IDH Việt Nam, một số nội dung quan trọng khác nhóm hợp tác công tư hợp tác công tư (PPP) ngành hàng hồ tiêu ưu tiên, đó là chiến lược nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện lao động cho nông dân, đặc biệt là lao động nữ, đảm bảo hợp tác giữa khối công và tư để kiểm soát hiệu quả mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu đáp ứng yêu cầu thị trường; Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các cam kết về bền vững và giúp nông dân áp dụng sáng kiến, thực hành bền vững cho tăng trưởng toàn diện.

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi Hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU.

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU. Trong đó, hạt tiêu đen và trắng chưa xay hoặc chưa nghiền sẽ là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ngành hàng hồ tiêu.

Đồng thời, Đức và Hà Lan tiếp tục duy trì vị thế thị trường nhập khẩu nhiều hạt tiêu nhất từ Việt Nam. Do đó, cơ hội cho sản phẩm tiêu nâng cao giá trị, người trồng tiêu nâng cao thu nhập là rất lớn. Tuy nhiên, để có cơ hội này, cần phải thực hiện nghiêm các nội dung, chương trình mà nhóm hợp tác công tư đã đưa ra.

Cũng tại buổi sơ kết, hội nghị cũng đưa ra bàn thảo một số vấn đề khác mà các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế quan tâm, đó là việc sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng sản xuất hồ tiêu. Hoặc vấn đề suy thoái đất ngày một nghiêm trọng ở vùng trồng tiêu khu vực Tây Nguyên.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hop-tac-cong-tu-nganh-ho-tieu-huong-den-70-san-luong-dat-du-luong-chuan-post9466.html