Hợp tác chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi tốt nhất

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Các nước tiếp nhận chính lao động Việt Nam là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và một số quốc giaTrung Đông,...Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như sản xuất chế tạo, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, nhà máy, giúp việc gia đình.

Cũng theo Bộ LĐTBXH, trong số các quốc gia Đông Nam Á, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia cũng thu hút khá nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Do chính sách miễn thị thực của các nước ASEAN cho công dân các nước trong khu vực nên việc đi lại của người dân sang các nước này tương đối dễ dàng. Nhiều người dân đã tận dụng chính sách miễn thị thực để ở lại làm việc.

Lao động Việt Nam luôn được các nước tiếp nhận đánh giá cao. Ảnh: XKLĐ.VN

Dẫn nguồn của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Bộ LĐTBXH cho hay, hiện có một số người Việt Nam lao động tự do ở Thái Lan. Đây là số công dân ta vận dụng thỏa thuận miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông 30 ngày đã ký giữa hai nước, nhập cảnh Thái Lan theo quy chế miễn thị thực rồi ở lại làm việc. Lao động Việt Nam tại Thái Lan làm việc trong các ngành nghề bao gồm: phục vụ nhà hàng, khách sạn, giúp việc gia đình, bán hàng thuê, xây dựng, bốc vác. Tại Lào, lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo kênh chính thức bao gồm: Lao động đi làm việc tại các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, thực hiện các dự án viện trợ không hoàn lại. Ngoài kênh chính thức trên, công dân Việt Nam sang làm việc tự do tại Lào theo tính chất mùa vụ, làm kinh doanh, buôn bán nhỏ tại Lào tương đối đông.

Tại Campuchia theo kênh chính thức do một số doanh nghiệp đưa đi theo hình thức nhận thầu, trúng thầu, đầu tư ở Campuchia. Ngoài kênh chính thức nêu trên, công dân Việt Nam sang làm việc tự do tại Campuchia tương đối động. Đây là những người Việt có hộ chiếu phổ thông, sử dụng visa du lịch để ở lại làm việc tại Campuchia, phần lớn là công nhân, lao động phổ thông làm việc tại các trang trại, đồn điền cao su do doanh nghiệp Việt Nam thuê đất tô nhượng của Camphuchia thành lập hoặc là lao động, làm việc tại các chợ, của hàng kinh doanh..

Theo Bộ LĐTBXH, thời gian qua, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về lao động với 3 nước: Thái Lan, Lào, Campuchia để quản lý lao động Việt Nam đi làm việc tại 3 nước này. Cụ thể, ngày 1/7/2013, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ LĐPLXH Lào đã thay mặt Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định về hợp tác lao động (thay thế cho Hiệp định về hợp tấc lao động năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về hợp tác lao động năm 1999); Ngày 23/7/2015, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ LĐ Thái Lan đã thay mặt Chính phủ hai nước ký kết Thỏa thuận về tuyển dụng lao động; Ngày 22/3/2017, Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ LĐ và Dạy nghề Camphuchia đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động.

Sau khi ký kết các Thỏa thuận hợp tác lao động với 3 nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và các nước đã thiết lập cơ chế hợp tác. Với Thái Lan, Bộ Lao động hai nước đã tổ chức họp cấp chuyên viên 3 lần để thống nhất triển khai thực hiện Thỏa thuận. Với Lào, Bộ Lao động hai nước đã tổ chức 02 hội nghị: Hội nghị thông tin về Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào tháng 8/2014 và Hội nghị thông tin về các quy định liên quan đến việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại CHDCND Lào tháng 9/2016. Với Campuchia, hai bên mới ký Bản nghi nhớ từ đầu năm nay.

Nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư, đối với các nước đã ký các thỏa thuận hợp tác, cần có sự liên hệ thường xuyên giữa các bên để trao đổi với cơ chế hợp tác, cơ chế phối hợp và triển khai thỏa thuận, trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động di cư trong khuôn khổ của các thỏa thuận.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho người lao động, Bộ LĐTBXH cho rằng, các quốc gia cần tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các nước trong khối, cả nước phái cử lẫn nước tiếp nhận lao động, bao gồm: Chia sẻ thông tin kinh nghiệm; Phân tích hiệu quả trong lĩnh vực lao động ở các nước nhằm xác định hướng ưu tiên chiến lược trong mục tiêu phát triển lao động; Tăng cường tham vấn và đồng thuận về các chính sách trong lĩnh vực lao động; Đào tạo năng lực, nâng cao nhận thức về thực tiễn lao động; Mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội và các đối tác quốc tế, các bên quan tâm và nhân dân nói chung hướng tới mục tiêu chung cho hợp tác lao động. Mục đích cuối cùng là các bên cùng có lợi, trên tinh thần chung tuân thủ luật pháp quốc tế; luật pháp của những quốc gia có lao động đi và tiếp nhận lao động.

A.T- M.Đ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hop-tac-chat-che-de-bao-ve-quyen-loi-tot-nhat-57779.html